Triết học cổ Hi Lạp

Hi Lạp là quê hương của nền triết học Phương Tây, được hình thành trên cơ sở của nền kinh tế Công thương nghiệp phát triển, xã hội chiếm nô đạt tới mức cao và trên nền tảng của những thành tựu khoa học tự nhiên, ít bị chi phối bởi tôn giáo. Ngay từ xa xưa, người Hi Lạp đã sản sinh ra những tư tưởng triết học với các hình thái, xu hướng khác nhau, phản ánh những quan điểm của các giai cấp – với các khuynh hướng kinh tế và chính trị – khác nhau, trong xã hội chiếm nô Hi Lạp, đồng thời cũng phản ánh cuộc xung đột gay gắt, quyết liệt giữa các giai tầng này.

Triết học ở Hi Lạp cổ điển có nhiều trường phái tập trung trong hai phái đối lập nhau : phái duy tâm và phái duy vật.

Trường phái triết học duy vật

– Đại biểu xuất sắc nhất của trường phái triết học duy vật ở Hi Lạp là các nhà triết học nổi danh: Talét (640 – 548 TCN), Anaximăng (611 – 545 TCN), Anaximen (585 – 525 TCN), Hêracơlít (540 – 480 TCN), Anaxago (500 – 428 TCN), Ampêđốc (490 – 430 TCN), Đêmôcơrít (460 – 370 TCN), Êpiquya (341 – 270 TCN).

Nét nổi bật của triết học duy vật là các nhà triết học đều cho rằng thế giới là do vật chất tạo thành, có vận động và có biến đổi, tuy rằng quan niệm vật chất tạo thành thế giới của mỗi nhà triết học có khác nhau. Talét cho rằng nước là các bản chất của vạn vật, nước luôn thay đổi hình thái và vì thế chính nước đã sản sinh ra các vật thể khác nhau.

Anaximăng lại cho rằng nguồn gốc của vũ trụ là vô cực, vô cùng rối ren, và phức tạp, luôn chia thành những mặt đối lập nhau như khô và ướt, nóng và lạnh, chính các mặt đối lập này lại kết hợp với nhau và tạo ra vạn vật.

Ngược lại với Talét, Anaximen lại cho rằng nguồn gốc của vạn vật bắt đầu từ không khí, nhờ không khí và sự chuyển động của nó, vạn vật trong vũ trụ được tạo ra và sau đó lại quay về dạng không khí.

Hêracơlít cho rằng lửa là bản chất của vạn vật, đặc biệt Hêracơlít đã nêu ra những tư tưởng duy vật biện chứng, nhấn mạnh đến tính chất vận động của vật chất thông qua sự đấu tranh giữa 2 mặt đối lập, mọi sự vật đều vận động, mọi sự vật đều biến đổi. “Người ta không bao giờ có thể tắm hai lần trong một dòng sông”.

Với Ampêđốc thì vạn vật được sinh ra không phải do đơn tố, mà do cả 4 yếu tố vật chất cấu tạo thành đó là đất, lửa, không khí và nước.

Phát triển những tư tưởng của các nhà triết học trước đó, Anaxago cho rằng vạn vật trong vũ trụ là do VÔ SỐ các nguyên tố tạo nên, các nguyên tố trong quá trình phát triển chia thành nhiều nguyên tố mới, kết hợp với nhau tạo nên vật chất theo quy luật của vũ trụ mà Anaxago gọi là “lí tính vũ trụ”.

Đêmôcơrít, sau đó là Êpiquya đã phát triển học thuyết của Ampeđốc, Anaxago và cho rằng nguyên tử – đơn vị vật chất nhỏ nhất không thể bị phân chia nữa – với các kích thước (to, nhỏ) và trọng lượng khác nhau là nguyên tố đầu tiên và cuối cùng tạo nên vạn vật.

Nhìn chung, do hạn chế của thời đại (trình độ phát triển kinh tế, cũng như trình độ khoa học kĩ thuật), các nhà triết học duy vật của Hi Lạp cổ đại chưa thể giải thích tự nhiên một cách chính xác và không giải thích được mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Những tư tưởng duy vật còn mang nặng tính thô sơ, máy móc. Tuy nhiên, các nhà triết học duy vật Hi Lạp cổ đại đã đặt cơ sở cho sự phát triển của triết học duy vật biện chứng sau này.

Trường phái triết học duy tâm

– Những đại biểu xuất sắc của trường phái triết học duy tâm ở Hi Lạp là Prôtagôrát (481 – 411 TCN), Goócgiát (483 – 375 TCN), Xôcơrát (469 – 399 TCN) và nhất là Platông (427 – 347 TCN) và Arixtốt (384 – 322 TCN).

Về mặt nhận thức, các nhà triết học duy tâm đều cho rằng không có chân lí khách quan, chỉ có nhận thức chủ quan tương đối. Chỉ có các thần thánh mới có thể nắm được nhận thức tuyệt đối và chân thực. Chính bản thân Xôcơrát đã sử dụng thái độ hoài nghi để xem xét các hiện tượng, sự vật và cũng để xem xét các vấn đề chính trị xã hội ở Athens.

Là học trò của Xôcơrát, Platông đã tiếp thu, phát triển học thuyết duy tâm của các bậc tiền bối và trở thành nhà triết học duy tâm lớn nhất của Hi Lạp. Platông cho rằng trong vũ trụ chỉ có những “ý niệm” mới là chân lí và thực sự tồn tại “ý niệm” đó là cố định, bất biến, siêu thời gian và không gian có tính chất vĩnh hằng, toàn bộ thế giới thực tại chỉ là sự phản ánh nghèo nàn của “ý niệm”. Platông luôn lên án những nhà cải cách dân chủ ở Athens, gọi Êphiantét là “kẻ đã mê hoặc quần chúng bằng những quyền tự do dân chủ quá trớn”, ông kêu gọi xóa bỏ chế độ dân chủ ở Athens và nêu ra một thiết chế xã hội lí tưởng. Trong tác phẩm “Nước lí tưởng” Platông đưa ra một nhà nước do 3 tầng lớp người hợp thành với những quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau. Tầng lớp nắm chính quyền là các vương công quý tộc và các nhà hiền triết bao gồm những người thông minh, chính trực, có đạo đức và học vấn. Tầng lớp thứ hai là các võ sĩ có nhiệm vụ bảo vệ nhà nước, giữ gìn trật tự trị an, đàn áp các sự chống phá. Tầng lớp thứ ba là những người bình dân nông dân, thợ thủ công, những thương nhân phải cần cù lao động cung cấp mọi vật phẩm cần thiết để nuôi sống xã hội.

Arixtốt là học trò của Platông là người Macedonia nhưng sinh sống ở Athens, Arixtốt chịu ảnh hưởng của cả triết học Đêmôcơrít và triết học Platông. Ông cho rằng không có ý niệm ở ngoài vật chất thực tại, nhưng ông lại cho rằng nguyên nhân để kích thích sự phát triển của sự vật lại bắt đầu từ cái gọi là “lí tính vũ trụ”. Có thể nói Arixtốt là người thuộc phái Nhị nguyên luận. Trong lịch sử Hi Lạp, Arixtốt là người đã thiết lập nên môn logic học và môn sinh vật học.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận