Một năm có 365 ngày, lại chia thành 12 tháng, cứ thế vần xoay luân chuyển liên tục không dứt. Đó là cách tính thời gian phổ thông nhất, chẳng ai cần phải thắc mắc. Nhưng vì sao loài người lại lấy đơn vị tính thời gian là năm, tháng, ngày, nó được tính toán như thế nào và phương pháp tính toán thời gian như vậy được bắt đầu từ bao giờ?
Muốn trả lời câu hỏi này ta phải nói từ Cổ Ai Cập hơn 6000 năm trước đây.
Lịch Mặt trời cổ của Ai Cập
Khi đó, người Ai Cập đã định cư và làm nông nghiệp ở hai bờ sông Nin. Sông Nin hàng năm cứ vào tháng 7 là nước dâng tràn, cuối tháng 10 nước lại rút xuống lòng sông, để lại một lớp phù sa màu mỡ trên đồng ruộng. Tháng 11 người Ai Cập làm công việc gieo trồng, tháng 3 tháng 4 năm sau là bắt đầu thu hoạch.
Để không bị trái thời vụ, kịp thời nắm chắc việc sản xuất nông nghiệp, người Ai Cập dần dần hiểu rằng phải nắm cho được định kỳ nước sông Nin lên xuống, tính toán thời gian chuẩn xác nghĩa là cần phải có một thứ lịch. Có người đã sáng tạo ra một phương pháp hết sức đơn giản: ghi lại thời gian mỗi lần nước sông Nin dâng lên bằng cách khắc lên một cột gỗ rồi đem so sánh, qua đó phát hiện ra khoảng cách giữa hai thời kỳ nước sông dâng lên là trên dưới 365 ngày. Ngoài ra lại phát hiện thêm mỗi khi đỉnh nước sông Nin dâng cao nhất tới vùng gần thủ đô Cairô Ai Cập ngày nay thì sao Thiên Lang và mặt trời đồng thời cùng mọc và nằm ở đường chân trời. Vì vậy họ định ra một năm là 365 ngày và lấy ngày sao Thiên Lang và mặt trời cùng xuất hiện ở đường chân trời làm khởi điểm cho một năm. Một năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, còn thừa 5 ngày làm ngày Tết cuối năm. Đó là lịch Mặt trời của Cổ Ai Cập.
Lịch Mặt trời chia một năm thành 365 ngày, so sánh với thời gian trái đất quay một vòng quanh mặt trời tức ”năm mặt trời” là 365 ngày 5 giờ 48 phút 16 giây thì chỉ sai số có 1/4 ngày. 6000 năm trước đây tính toán được như vậy là rất chính xác. Nhưng, một năm sai 1/4 ngày không dễ cảm thấy, phải qua 4 năm mới sai 1 ngày. Trải qua 730 năm, thời gian trong lịch pháp và thời gian thực tế đã sai nhau nửa năm, nóng lạnh trái ngược nhau. Năm tháng như vậy tất nhiên mang lại phiền phức cho sản xuất nông nghiệp, Mặc dù thế lịch pháp này vẫn được truyền sang Châu Âu.
Lịch pháp Giuliut
Đến năm 46 trước Công nguyên, viên thống soái Rôma là Giuliut Xêda quyết định lấy lịch Mặt trời Ai Cập làm cơ sở để biên soạn lịch pháp. Lịch pháp Giuliut đã điều chỉnh sự sai sót mỗi năm khoảng 1/4 ngày trong lịch Mặt trời Ai Cập bằng cách đặt ra năm thường và năm nhuận, năm thường có 365 ngày, năm nhuận có 366 ngày, cứ 4 năm có một năm nhuận. Tháng lẻ mỗi tháng có 31 ngày, tháng 2 thuộc tháng chẵn năm thướng là 29 ngày, năm nhuận là 30 ngày, còn các tháng chẵn khác mỗi tháng 30 ngày. Như vậy gần với vòng quay một năm hơn. Sau khi Xêđa qua đời, Augustô kế nghiệp vì ông sinh vào tháng 8, ông liền rút một ngày của tháng 2 bù sang tháng 8 để cho tháng 8 cũng trở thành tháng lớn, tức tháng thừa có 31 ngày, đồng thời chuyển hai tháng 9 và 11 tương ứng với hai tháng nhỏ, hai tháng 10 và 12 thành hai tháng lớn. Qua sự sửa đổi này, số ngày trong tháng đã không khác mấy với Công lịch (Dương lịch) mà ta đang sử dụng hiện nay.
Năm 325 Công nguyên, Hoàng đế Rôma trong một hội nghị của giáo hội, quy định lấy lịch Giuliut làm lịch pháp của Kitô giáo, nhưng không quy định năm nào là năm khởi điểm. Đến thế kỷ VI các giáo sĩ Kitô giáo mới lấy ngày trong truyền thuyết nói là ngày Giêsu Clit, người sáng lập ra Kitô giáo giáng sinh hơn 500 năm về trước, coi là năm đầu Công nguyên. Chữ Latin “Công nguyên” có nghĩa là “năm sinh của Chúa”, biểu thị bằng chữ Latin là A.D.(Anno Domini). Trước năm đó gọi là ”trước Công nguyên” tiếng Anh gọi là ”trước Crit” biểu thị bằng chữ B.C (before Christ), tiếng Pháp gọi là ”trước Giêsu Crit” biểu thị bằng chữ av. J. C. (avant Jesus Christ).
Lịch Giuliut tuy có tiến một bước so với lịch Mặt trời của Ai Cập nhưng so với thời gian năm mặt trời vẫn còn sai 11 phút 14 giây, cứ 128 năm lại sai mất một ngày. Tính lại cho đến cuối thế kỷ XVI đã sai tới 10 ngày. Thế là Giáo hoàng Rôma Grêgôri XIII vào năm 1582 đã tập hợp các nhà thiên văn học để sửa lại lịch Giuliut. Trước hết là bỏ thời gian 10 ngày trong lịch pháp chậm so với thời gian năm mặt trời, tức là lấy ngày 5 tháng 10 năm đó đổi thành ngày 15 tháng 10 (tháng đó chỉ có 20 ngày). Đồng thời đổi phương pháp tính năm nhuận theo tiêu chuẩn ghi năm Công nguyên: những năm chia hết cho 4 là năm nhuận, nhưng năm đầu tiên của mỗi thế kỷ tuy có thể chia hết cho 4 nhưng không chia hết cho 400 thì vẫn không phải là năm nhuận.
Ví như năm 1600 là năm nhuận, còn năm 1700 lại không phải năm nhuận. Trước kia cứ 4 năm có một năm nhuận, 400 năm có 100 năm nhuận, bây giờ tháng 400 năm chỉ có 97 năm nhuận. Như vậy trên đại thể đã bổ sung cho sai sót 11 phút 14 giây mỗi năm, phải mất hơn 3000 năm nữa mới sai 1 ngày so với năm mặt trời. Đó chính là lịch pháp thông dụng trên thế giới hiện nay, mọi người gọi đó là lịch Grêgôriut hay Công lịch, Dương lịch.