Mục lục
Khái quát chung
Sau Hi Lạp, Rôma là quốc gia cổ đại của Phương Tây có nền văn hóa phát triển rực rỡ. Sự phát triển ấy có được nhờ 2 yếu tố cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Nền văn hóa Rôma hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của sự phát triển mạnh mẽ của chế độ chiếm nô. Những thành tựu văn hóa của Rôma đã đạt được chính là kết quả tất yếu của sự phát triển toàn diện, điển hình của chế độ chiếm nô cổ điển ở khu vực Địa Trung Hải. Ph.Enghen đã nhận xét: “Không có chế độ nô lệ, thì không có quốc gia Hi Lạp, không có nghệ thuật và khoa học Hi Lạp, không có chế độ nô lệ thì cũng không có quốc gia Rôma cổ đại”.
Thứ hai: Nền văn hóa Rôma đã được kế thừa một cách trực tiếp nền văn hóa Hi Lạp, đồng thời văn hóa Rôma cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện của nền văn hóa Hi Lạp.
Cũng như Hi Lạp, nền văn hóa Rôma phát triển toàn diện, rực rỡ. Những thành tựu xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết học… cho tới nay vẫn là những bộ phận hết sức quý báu trong kho tàng văn hóa thế giới, thậm chí còn là những mẫu mực để người đời sau bắt chước. Thành tựu văn hóa Rôma (và cả Hi Lạp) không những đã đảm bảo cho những quốc gia này trở thành những quốc gia điển hình trong thế giới cổ đại mà nó còn góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại nói chung và châu Âu nói riêng ở những thời kì lịch sử tiếp theo đúng như nhận xét của Ph.Enghen: “Không có cơ sở văn minh Hi Lạp và đế quốc Rôma thì cũng không có châu Âu hiện đại”.
Ảnh hưởng của văn hóa Hi Lạp thể hiện khá rõ trong mọi lĩnh vực của văn hóa Rôma. Bởi thế, về đại thể, văn hóa Rôma Có chung một phong cách với văn hóa Hi Lạp. Tuy nhiên, Rôma vẫn có những bản sắc riêng của nó Yếu tố Hi Lạp được gieo trồng ở Rôma đã được Rôma hóa để được nuôi dưỡng, phát triển lên trở thành những yếu tố Rôma. Bên cạnh chữ Hi Lạp, tiếng Latinh vẫn được sử dụng và ngày càng trở nên thông dụng, phổ biến. Người Rôma tiếp thu hệ thống các thần Hi Lạp nhưng cải biên đi, mang sắc thái Rôma, Thần Dớt của Hi Lạp với người Rôma lại là thần Giupite. Thần ái tình Hi Lạp Aphrodit, với Rôma là nữ thần Vênuýt.
Văn học và sử học
Văn học
Nét nổi bật của Văn học Rôma chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Hi Lạp mặc dù đề tài của thơ ca, tác phẩm văn học là những đề tài Rôma, viết bằng tiếng Latinh và có tiếp thu truyền thống văn học dân gian cổ xưa. Điều này cũng dễ giải thích vì nhiều nhà thơ, nhà văn Rôma vốn gốc là người Hi Lạp hoặc chí ít cũng đã từng sống, từng du học ở Hi Lạp.
Thời kì phát triển rực rỡ nhất của văn học Rôma là thời kì trị vì của Ôctaviuxơ (27 TCN – 14 sau CN). Văn học Rôma bao gồm nhiều thể loại: thơ trữ tình, thơ trào phúng, sử thi, kịch, văn xuôi… Trong số những đại biểu xuất sắc của nền văn học Rôma, có Anđrônicuxơ người Tarantơ – một thành bang Hi Lạp thuộc Nam Italia – ông đã dịch Ôđixê của Hôme ra tiếng Latinh để phổ biến rộng rãi ở Rôma. Nôviuxơ với trường ca “Cuộc chiến tranh Puních” gồm 7 quyển. Mácxiuxơ Plôtuxơ (254 – 184 TCN) vừa là nhà thơ, vừa là nhà soạn kịch nổi tiếng. Thơ của ông thông cảm sâu sắc với quần chúng nghèo khó, căm ghét chiến tranh, tiêu biểu là tập thơ “ông chủ và những người nô lệ”. Catuluxơ (87 – 45 TCN) nữ thi sĩ trữ tình, em gái của quan bảo dân Clauđiuxơ, tác giả của những bài thơ viết về nàng Lexbi nồng cháy yêu đương.
Xêda không những là một nhà chính trị, quân sự tài ba mà còn là một nhà sử học, văn học tài hoa. “Kí sự về cuộc chiến tranh ở xứ Golơ” của Xêda đã đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện. Nhiều người cho rằng đó là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học – sử học Rôma.
Viếcgiliuxơ (70 – 19 TCN) được coi là nhà thơ lớn nhất của Rôma cổ đại với những tập thơ nổi tiếng “Những bài ca của người chăn nuôi”, “Khuyến nông”, đặc biệt là tập thơ tự sự có tính chất thần thoại gồm 12 bài lấy tiêu đề “Enêít” phỏng theo Ôđixê của Hôme, ca ngợi sự dũng cảm, quyết liệt của người Rôma, ca ngợi sự phồn vinh của Rôma thời Ôctaviuxơ.
Hôraliuxơ là con của một nô lệ được giải phóng, đã từng du học ở Hi Lạp (Athens) chịu ảnh hưởng sâu nặng văn học, triết học Hi Lạp. Tác phẩm tiêu biểu là tập thơ “Ca ngợi” gồm 103 bài.
Ôviđiuxơ (43 TCN – 17 CN) xuất thân từ một gia đình kị sĩ giàu có, tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng ở Rôma : “Tình ca”, “Nghệ thuật yêu đương”, “Nữ anh hùng”, “Những bài thơ buồn” và nhất là tập thơ “Biến hình” gồm 15 chương.
Sử học
Đầu thế kỉ III TCN, lịch sử Rôma bắt đầu được ghi chép thành văn. Lúc đầu các nhà sử học Rôma ghi chép lịch sử bằng tiếng Hy Lạp, từ cuối thế kỉ III TCN, tiếng Latinh đã được dùng phổ biến. Nhà sử học nổi tiếng nhất của Rôma ở thế kỉ II TCN là Polybiuxơ (205 – 125 TCN), gốc người Hi Lạp. Bộ “Thông sử” của ông gồm 40 quyển thuật lại một cách khái quát lịch sử Hi Lạp, Rôma và các nước Đông bộ Địa Trung Hải trong khoảng hơn 100 năm (từ năm 264 đến năm 146 TCN). Polybiuxơ là nhà sử học Rôma đầu tiên chú ý đến phương pháp sử học, chú ý đến việc biên soạn lịch sử nhiều nước và nhất là nhận thức rõ tác dụng giáo dục của lịch sử với cuộc sống, coi quan điểm sử học là triết học, lấy sự việc thật để dạy người đời.
Tinux Liviuxơ (59 – 17 TCN) người sống cùng thời với Ôctaviuxơ đồng thời cũng là nhà sử học tiêu biểu trong giai đoạn lịch sử này. Tác phẩm tiêu biểu: “Lịch sử Rôma” gồm 142 chương, trình bày lịch sử Rôma từ khởi thủy đến thế kỉ XIX TCN. Tiếc rằng hiện nay bộ sử 142 chương này chỉ còn lại 35 chương.
Taxituxơ (55 – 120) là nhà sử học sáng giá nhất của Rôma ở thế kỉ I, II, tác giả của bộ “Lịch sử”, “Lịch sử xứ Giécmani”, “Lịch sử biên niên”. Nét đáng ghi nhận ở Taxituxơ là ông viết sử không chỉ có ca ngợi mà còn nhiều lần phê phán những điểm xấu xa của chế độ chuyên chế Rôma.
Pơlutác (50 – 125) gốc người Hi Lạp, tác giả của “tiểu sử so sánh” (hay còn gọi là “Truyện các danh nhân Hi Lạp Rôma”; với bút pháp tài tình, Pơlutác đã phác họa rõ nét, chân thực và sinh động các danh nhân trong lịch sử Hi Lạp Rôma. Pơlutác là người đầu tiên xây dựng cơ sở cho thể loại truyện kí lịch sử và là người đầu tiên đã đưa nhân vật Xpáctacuxơ vào tác phẩm sử học của mình.
Khoa học tự nhiên
Về khoa học tự nhiên (thiên văn, vật lí, địa lí, y học…), người Rôma không đạt được những thành tựu lớn như người Hi Lạp. Về cơ bản, các nhà khoa học tự nhiên Rôma chủ yếu là tiếp thu chỉnh lí những thành tựu vốn có trước của người Hi Lạp (có bổ sung những kiến thức mới).
Nhà khoa học Pơliniuxơ (23 – 79) được coi là học giả uyên thâm nhất. Bộ sách “Lịch sử tự nhiên” gồm 37 chương là một bộ bách khoa toàn thư của Rôma cổ đại, tổng kết những thành tựu khoa học kĩ thuật cổ đại gồm đủ mọi tri thức về thiên văn, địa lí, động vật học, thực vật học, nông học, luyện kim, y học, hội họa, điêu khắc… Pơliniuxơ cũng là nhà khoa học Rôma đầu tiên chú trọng đến phương pháp thực nghiệm và chính ông đã bỏ mình (năm 79) trong khi đang tiến hành khảo sát núi lửa Vêduvơ.
Nhà thiên văn học, địa lí học và toán học xuất sắc nhất của Rôma là Clauđiuxơ Ptôlêmê (giữa thế kỉ II) sinh trưởng ở thành phố Alếchxanđơri (Ai Cập). Ptôlêmê đã đúc kết những thành tựu thiên văn của Ai Cập, Babilon, Ba Tư, Hi Lạp để biên soạn bộ sách “Hệ thống vũ trụ”. Ptôlômê thừa nhận quả đất hình cầu, nhưng lại sai lầm khi cho rằng quả đất là trung tâm của vũ trụ và đứng yên tại chỗ. Học thuyết của Ptôlômê đã chi phối khoa học thiên văn châu Âu trong suốt 1400 năm, mãi tới thế kỉ XVI mới bị học thuyết của Côpécních đánh đổ. Ptôlômê còn được thừa nhận là người đã vẽ được bản đồ thế giới tương đối chuẩn xác nhất. Bản đồ thế giới của Ptôlômê lúc đó có 3 châu – Á, Âu và Phi – Với vùng cực Bắc là bán đảo Xcăngdinavơ, vùng Cực Nam là lưu vực sông Nin, phía tây là đất đai xứ Tây Ban Nha, còn phía đông là Trung Quốc.
Đại biểu xuất sắc của lĩnh vực y học Rôma là Clauđiuxơ Galênuxơ (131 – đầu thế kỉ III) gốc người Tiểu Á. Galênuxơ đã tổng kết được những thành tựu y học, dược học và biên soạn nhiều sách giáo khoa y học, được học, giải phẫu học. Sách của ông đã được dịch và sử dụng ở nhiều nước. Galênuxơ cũng là nhà y học thực nghiệm đầu tiên của Rôma.
Triết học
Triết học Rôma không phong phú và sáng tạo như triết học Hi Lạp. Nhìn chung triết học Rôma chủ yếu là kế thừa và phát triển các trường phái, học thuyết triết học Hi Lạp, có cải biên hoặc làm sáng tỏ thêm để thích hợp với thời đại lúc bấy giờ. Triết học Rôma cũng bao gồm nhiều trường phái khác nhau: triết học duy vật, chiết trung, khắc kỉ, hoài nghi, trường phái Platôn mới, trường phái Pitago mới…
Nhà triết học duy vật tiêu biểu và xuất sắc nhất là Lucrêtiuxơ (98 – 55 TCN) người sống cùng thời với Xêda. Lucrêtiuxơ đã phát triển quan điểm triết học duy vật của Epicuya (Hi Lạp). Trong tác phẩm “Bàn về bản chất của sự vật), Lucrêtiuxơ đã phê phán kịch liệt quan điểm tôn giáo, bác bỏ những quan niệm mê tín, tin vào thần thánh. Trong thuyết nguyên tử, ông cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều do nguyên tử tạo thành và phát triển theo quy luật nội tại của nó, có tính bảo toàn, vĩnh hằng, không bị tiêu huỷ hoàn toàn mà chỉ có hiện tượng tan rã của những vật thể mà thôi. Lucrêtiuxơ còn có những đóng góp đáng kể trình bày về nguồn gốc loài người và sự tiến hóa của xã hội loài người theo quan điểm triết học duy vật biện chứng.
Từ giữa thế kỉ I TCN trở đi, triết học Rôma chuyển dần sang phạm trù duy tâm, cơ sở của nó là trường phái Xtôixít của Hi Lạp.
Xixêrô (106 – 43 TCN) là đại biểu lỗi lạc của triết học chiết trung. Quan điểm của ông đứng giữa chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa khắc kỉ. Công lao lớn của Xixêrô là đã dịch các tác phẩm triết học Hi Lạp sang tiếng Latinh, giúp cho người Rôma (sau này là cả người châu Âu) tiếp xúc và nắm bắt được triết học Hi Lạp.
Xênecơ, thầy dạy của bạo chúa Nêrô, là đại biểu xuất sắc nhất của trường phái triết học duy tâm thuộc phái Xtôixít, phái khắc kỉ. Ông viết khá nhiều “Bàn về nhân từ”, “Bàn về phẫn nộ”, “Bàn về sự yên tĩnh”, “Bàn về cuộc sống hạnh phúc”,… Trong các tác phẩm của mình, Xênecơ chú ý nhiều tới phạm trù đạo đức, chủ trương nhẫn nhục, chịu đựng gian khổ, lấy sự phục tùng làm đức tính tốt đẹp của con người.
Ở Rôma cổ đại còn tồn tại những học thuyết của trường phái triết học duy tâm Pitago mới và Platôn mới. Các học thuyết này cho rằng con người không có khả năng nhận thức được chân lí, chỉ có các thần thánh mới có khả năng này.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,