Vương triều UA và sự phục hưng của người Sumer

Giành lại quyền lực và mở rộng đất nước

Sau khi đánh đuổi người Guti ra khỏi Lưỡng Hà, quyền lực của người Sumer được phục hưng. Các thành thị Sumer có cơ hội phát triển trở lại, nắm quyền khống chế khu vực Sumer và Akkad. Từ năm 2132 TCN, Lưỡng Hà nằm dưới sự chi phối của thành thị Ua (Vương triều III).

Người sáng lập ra vương triều III Ua – Uanammu và con trai là Sulighi, đã tập trung sức lực tăng cường xây dựng một nhà nước chuyên chế hùng mạnh, khống chế toàn bộ khu vực Lưỡng Hà. Sau đó, hai cha con Sulight trở thành “Vua Sumer và Akkad”. Không những thế, cả hai đều cố gắng thực hiện chiến tranh xâm lược mở rộng cương vực, về phía đông đánh chiếm Elam, phía tây tấn công Syria, Tiểu Á. Uanammu đã tự khoe rằng đã “đưa bàn chân mình tới biển dưới đến biển trên” (tức là từ vịnh Pecxích đến bờ Địa Trung Hải).

Các vua của vương triều III Ua cũng ra sức tập trung quyền lực quốc gia vào tay mình, thực hiện chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền nắm trong tay cả vương quyền và thần quyền. Dưới thời thống trị của Ua, các Patesi trở thành một chức quan lại, chịu sự bổ nhiệm và kiểm soát của nhà vua.

Tuy nhiên, vương triều Ua vẫn phải thường xuyên đối đầu với những hành động phản kháng của quý tộc địa phương và nhất là những cuộc tấn công xâm nhập của người Elam và Amôrít. Đến nỗi vào năm thứ 4 của thời kì thống trị của mình, vua Xusin đã phải cho xây dựng nhiều phòng tuyến, đồn lũy để phòng thủ. Vua cuối cùng của vương triều III Ua là Ibixin (2049 – 2024 TCN) đã buộc phải cho xây dựng nhiều tường thành có tính chất phòng vệ, bao quanh một số thành phố chủ yếu như Ua, Nippua…

Phát triển kinh tế và xã hội

Kinh tế của Sumer nói riêng và của cả khu vực Lưỡng Hà nói chung dưới thời thống trị của vương triều III Ua đã được phục hưng và phát triển mạnh mẽ.

Công tác thủy lợi bị bê trễ trong thời kì bị người Guti thống trị nay được phục hồi, sửa chữa và đào đắp thêm. Cư dân Lưỡng Hà ở thời kì này đã áp dụng những hình thức gầu guồng đơn giản để đưa nước lên cao, nên những cánh đồng cao cũng được tưới tiêu, canh tác. Việc sử dụng sức kéo của bò, ngựa, cũng được phổ biến rộng rãi. Diện tích canh tác được mở rộng, sản phẩm nông nghiệp phong phú. Bên cạnh ngũ cốc, chà là, người Lưỡng Hà đã bắt đầu biết trồng và sử dụng nho (nhất là những khu vườn ở miền Bắc có chất đất thích hợp cho cây nho).

Thủ công nghiệp cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Các nghề: dệt, đồ gốm, sành sứ, sản xuất lông thú, da thú… không những cung cấp đồ tiêu dùng trong nước mà còn có khả năng xuất sang một số nước.

Công xã nông thôn vẫn tồn tại như loại hình cơ bản của xã hội Sumer, nhưng sự rạn nứt của công xã đã có từ thời cuối Akkad vẫn tiếp tục tiến triển. Ruộng công hữu của công xã thường xuyên bị lấn chiếm, chế độ tư hữu ruộng đất ngày càng phát triển. Tuy nhiên, số lượng ruộng đất tư hữu mà mỗi cá nhân chiếm hữu chưa lớn (một tăng lữ tối cao mới có 36 ha, đa số là những chủ sở hữu ruộng đất nhỏ khoảng từ 12 đến 1 ha).

Nhìn chung, nhà nước trong khi cố gắng thành lập những trang trại riêng của mình, những trang trại của quý tộc, tăng lữ vẫn hết sức duy trì và bảo vệ sự tồn tại của chế độ ruộng đất công xã. Nhưng trên thực tế, nạn kiêm tinh ruộng đất vẫn không ngừng xảy ra, nhiều nông dân bị tước đoạt ruộng đất đã phải nhận lĩnh canh hoặc trở thành người làm thuê trong các trang trại của nhà nước, quý tộc và đền miếu.

Mặc dù người nông dân công xã chiếm tỉ lệ cao và là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, nhưng trong thời kì thống trị của Ua (vương triều III) quan hệ nô lệ vẫn tăng cường. Nô lệ tù binh và mua từ ngoài về được sử dụng phổ biến trong hoạt động thủ công nghiệp. Nhiều xưởng dệt ở Lagas đã sử dụng sức lao động của hàng trăm nô lệ (cả nam và nữ). Việc mua, bán nô lệ và cho thuê nô lệ được pháp luật thừa nhận (điều 3 – luật Sumer, điều 40 – luật Esmuna).

Bắt đầu suy yếu và bị lật đổ

Vương triều III Ua đã phục hưng lại được uy quyền của người Sumer ở Lưỡng Hà. Đã thúc đẩy nền kinh tế tổ chức xã hội và thiết chế chính trị ở Lưỡng Hà thêm một bước. Tuy nhiên, sau hơn 100 năm thống trị (từ 2132 đến 2024 TCN), những mâu thuẫn vốn có trong xã hội Ua đã dần dần bộc lộ. Tới thời trị vì của Ibixin (2049 – 2024 TCN), những cơ sở xã hội của đế quốc Ua hùng mạnh thống nhất không còn nữa. Ibixin phải đương đầu với những cuộc đấu tranh của quần chúng lao khổ, đồng thời phải đối phó với những đợt tấn công liên tục của các tộc người ở vùng Elam và người Amôrít.

Cuối cùng, khoảng năm 2024 TCN, người Elam và người Amôrít đã lật đổ vương triều III của Ua.

Lưỡng Hà bước vào thời kì lịch sử mới.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận