Nước ta thời kỳ thuộc Đường

Thời gian: 618 - 906

Mậu Dần, [618], (Đường Cao Tổ Lý Uyên, Vũ Đức năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, Thứ sử Khâm Châu là Nịnh Trường Chân đem đất Uất Lâm và Thủy An phụ theo Tiêu Tiển.

Thái thú Hán Dương là Phùng Áng đem đất Thương Ngô, Cao Yếu, Châu Nhai, Phiên Ngung phụ theo Lâm Sĩ Hoằng. Tiển và Sĩ Hoằng đều sai người sang chiêu dụ Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa, Hòa không theo. Tiển sai Trường Chân đem quân Lĩnh Nam đi đường biển đến đánh Hòa. Hòa muốn đón hàng, Tư pháp thư tá là Cao Sĩ Liêm bảo Hòa rằng: “Quân của Trường Chân tuy nhiều, nhưng quân cô từ xa đến, lương thực ít, tất không thể cầm giữ lâu, quân giỏi trong thành cũng đủ đương được, việc gì mới nghe hơi đã vội chịu theo người”. Hòa nghe theo, lấy Sĩ Liêm làm Hành quân tư mã, đem các doanh thủy bộ đón đánh, phá tan quân [của Trường Chân]. Trường Chân chỉ chạy thoát một mình, quân lính bị bắt hết. Hòa lại đắp tử thành (tức thành nhỏ bên trong thành), chu vi 9 trăm bước để chống giữ. Đến khi nhà Tùy mất, Hòa hàng phục nhà Đường. Vua Đường sai Lý Đạo Hựu mang cờ tiết sang cho Hòa làm Giao Châu đại tổng quản, tước Đàm quốc công. Hòa sai Sĩ Liêm dâng biểu xin vào chầu. Vua Đường xuống chiếu sai quân đi đón. Năm này nhà Tùy mất.

Nhâm Ngọ, [622], (Đường Vũ Đức năm thứ 5). Trước đây, cuối thời nhà Tùy, Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu, cậy uy thế của nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm, Lâm Ấp và các nước tặng cho Hòa những ngọc minh châu, sừng tê văn và vàng bạc của báu, cho nên Hòa giàu như vương giả. Năm này nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam đô hộ phủ.

Mậu Tý, [628], (Đường Thái Tông Thế Dân, Trinh Quán năm thứ 2). Tông thất nhà Đường là Lý Thọ làm Đô đốc Giao Châu tham ô phải tội. Vua Đường thấy Thứ sử Doanh Châu là Lư Tổ Thượng có tài gồm văn võ, gọi vào triều, dụ rằng: “Giao Châu đã lâu không được người giỏi, các đô đốc trước sau đều không xứng chức. Khanh có tài lược dẹp yên biên giới, hãy vì ta sang trấn đất ấy, chớ lấy đường xa mà từ chối”. Tổ Thượng lạy tạ, rồi lại hối, lấy cớ đau ốm mà từ chối. Vua Đường sai Đỗ Như Hối bảo cho Tổ Thượng biết ý vua. Tổ Thượng vẫn cố từ. Lại sai Chu Phạm là anh vợ của Tổ Thượng đến dụ rằng: “Người thường đã hứa với nhau còn biết giữ chữ tín, khanh đã hứa trước mặt trẫm, há trái
lời hay sao? Nên sớm lên đường, sau ba năm tất gọi về, trẫm không nuốt lời”. Tổ Thượng trả lời rằng: “Đất Lĩnh Nam lam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ đã ra đi thì không trở về”. Vua Đường tức giận nói: “Ta sai người không đi, còn làm chính lệnh thế nào được nữa”. Sai chém ngay ở triều đường. Sau hối lại, cho khôi phục quan tước và ấm phong.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua sai bề tôi lấy lễ, bề tôi thờ vua lấy trung. Đường Thái Tông sai bề tôi không chịu đi, dỗ đến hai lần, có thể gọi là có lễ. Tổ Thượng được vua sai lại tránh khó nhọc, thế là thất tiết; đã nhận rồi lại hối, thế là thất tín; lời nói giận dỗi, thế là thất lễ. Thái Tông giết đi, tuy là quá, song Tổ Thượng đủ ba lỗi ấy, thì tội ra sao?

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận