Mục lục
[Kiến Trung] năm thứ 5 [1229]
Kỷ Sửu, [Kiến Trung] năm thứ 5 [1229], (Tống Thiệu Định năm thứ 2, Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài năm thứ1. Mùa xuân, tháng 3, nhật thực.
Nguyễn Nộn ốm chết.
Sau khi kiêm tính quân của Thương, Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi bời bừa bãi. Nhưng Nộn cũng biết là thế không thể cùng đối lập với nhà Trần, định đến tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa quyết.
Đến khi ốm nặng, vua sai nội nhân tớihỏi thăm, Nộn cố gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu thì chết. Người dưới quyền là Phan Ma Lôi Ngầm phóng ngựa chạy trốn, không biết là đi đâu. Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối.
Sai sứ sang thăm nước Tống. Nha Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương.
[Kiến Trung] năm thứ 6 [1230]
Canh Dần, [Kiến Trung] năm thứ 6 [1230], (Tống Thiệu Đinh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển.
Định bị đồ có mức độ khác nhau:
Loại bị đồ làm Cảo điền hoành thì thích vào mặt 6 chữ, cho ở Cảo xẵ (nay là xã Nhật Cảo), cày ruộng côn, mỗi người 3 mẫu, mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc.
Loại bị đồ làm Lao thành binh thì thích vào cổ 4 chữ, bắt dọn cỏ ở Phượng Thành, thành Thăng
Long, lệ vào quân Tứ sương.
Định các phường về hai bên tả hữu của kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường.
Đặt ty Bình bạc.
Lại mở rộng phía ngoài thành Đại La, bốn cửa thành giao cho quân Tứ sương thay phiên nhau canh giữ.
Sửa đổi quan chức các phủ lộ. Đặt 2 viên An phủ sứ và An phủ phó sứ.
Trong thành dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía đông và tây. Bên tả là cung Thánh Từ ( nơi thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở).
Chép công việc của quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển.
Mùa xuân, tháng 7, xuống chiếu rằng phàm người coi tục đi đòi người kiện tụng, thì cho lấy tiền cước lục tùy theo quãng đường gần hay xa.
Tháng 9, Quốc Thánh hoàng thái hậu băng, truy tôn làm Thuận Từ hoàng thái hậu.
[Kiến Trung] năm thứ 7 [1231]
Tân Mão, [Kiến Trung] năm thứ 7 [1231], (Tống Thiệu Định năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Nội minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu.
Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau.
Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chổ nào có đình trạm đều phải đắp tượng phật để thờ.
Trước đây, tục nước ta vì nóng bức, nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi từng nghỉ ở đó, có một nhà sư bảo rằng : “Người trẻ tuổi này ngày sau sẽ đại quý”. Nói xong thì không thấy nhà sư đâu nữa. Đến nay vua lấy được thiên hạ mới có lệnh này.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Việc này của Trần Thái Tông cũng giống như việc Vạn Hạnh với Lý Thái Tổ. Đó là mầm đầu tiên của sự sùng Phật ở đời Lý, đời Trần. Kể ra, người thức giả mọi việc đều biết trước, có gì lạ đâu.
[Kiến Trung] năm thứ 8 [1232]
Nhâm Thìn, [Kiến Trung] năm thứ 8 [1232], (Từ tháng 7 về sau là Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 1, Tống Thiệu Định năm thứ 5).
Mùa xuân, tháng giêng, bắt đầu định triều nghi.
Phong con của thượng hoàng là Bà Liệt làm Hoài Đức Vương.
Xưa Thượng hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt (thuộc huyện Tây Chân). Người đó có mang thì bị ( Thượng hoàng) ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, Thượng hoàng không nhận con.
Lớn lên Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Một hôm, bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt đến suýt tắt thở. Thượng hoàng thét lên : “Con ta đấy”.
Người ấy sợ hãi lạy tạ.
Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con, cho nên có lệnh này.
Tháng 2, thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu; đệ tam giáp là Trần Chu Phổ.
Mùa hạ, tháng 6, ban bố các chữ quốc húy và miếu húy.
Vì Nguyên tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý.
Tháng 8, gió lớn, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết.
Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý.
Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Lý Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng.
Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết.
(Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây).
Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư,