Văn Vương ở ngôi 12 năm, thọ 52 tuổi.
Vua lấy nghĩa để cảm nước láng giềng, đánh lui địch, yên biên cảnh, cũng gọi là bậc vua có ý muốn thịnh trị vậy.
Tên húy là Hồ, con trai Trọng Thủy, cháu Vũ Đế.
Bính Ngọ, năm thứ 2 [135 TCN], (Hán Kiến Nguyên năm thứ 6). Mùa thu, tháng 8, có sao Chổi mọc ở phương đông, đuôi dài hết trời.
Mân Việt Vương Sính xâm lấn biên ấp nước ta. Văn Vương giữ ước với nhà Hán, không tự tiện dấy quân, sai người đem thư nói việc đó với nhà Hán. Nhà Hán khen là nghĩa, vì vua mà phát đại binh, sai Vương Khôi xuất quân từ Dự Chương, Hàn An Quốc xuất quân từ Cối Kê, để đánh Mân Việt.
Hoài Nam Vương [Lưu] An dâng thư can rằng:
“Việt là đất ở ngoài cõi. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được. Từ thời Tam đại thịnh trị, người Hồ, người Việt đã không nhận chính sóc, không phải là vì mạnh mà không hàng phục được, uy không chế ngự được, mà vì đất ấy không thể ở được, dân ấy không thể chăn được, không bõ làm phiền đến Trung Quốc vậy. Nay họ đánh lẫn nhau mà bệ hạ phát quân đến cứu, thế là trái lại đem Trung Quốc mà phục dịch di dịch vậy.
Vả người Việt khinh bạc, tráo trở, không theo pháp độ, không phải mới có một ngày. Nay mới không vâng chiếu mà cất quân đi đánh giết, thần sợ sau này việc binh cách không biết đến lúc nào thôi. Vừa rồi mấy năm liền không được mùa, sinh kế của dân chưa lại như cũ, nay phát binh lấy lương, đi mấy nghìn dặm lại thêm rừng sâu tre rậm, nhiều rắn độc thú dữ, tháng hè mùa nắng, các bệnh thổ tả hoặc loạn phát ra luôn, tuy chưa từng ra quân đọ kiếm mà chết chóc tất đã nhiều rồi. Thần nghe rằng sau việc quân lữ, tất là mất mùa, là bởi cái khí sầu khổ phá sự điều hòa của khí âm dương, cảm đến tinh khí của trời đất, tai biến do đấy mà sinh ra. Bệ hạ đức sánh trời đất, ơn đến cỏ cây, một người đói rét không được hưởng trọn tuổi trời mà chết, bệ hạ cũng lấy làm thương xót trong lòng. Hiện nay trong nước không có tiếng chó sủa báo động mà khiến quân lính phải dãi dầu ở đồng nội, ngấm ướt ở núi hang, khiến dân ở biên cương phải đóng cửa sớm mở cửa muộn, bữa mai không kịp bữa hôm, thần An trộm xin bệ hạ thận trọng việc đó.
Vả người Việt nhân tài vật lực yếu mỏng không biết đánh bộ, lại không biết dùng xe ngựa cung nỏ, thế mà không thể đem quân vào được, là vì họ giữ được đất hiểm, mà người Trung Quốc thì không quen thủy thổ.
Thần nghe ở đường sá người ta nói rằng: Mân Việt Vương bị em là Giáp giết chết, Giáp cũng đã bị giết rồi, dân nước ấy chưa thuộc về ai. Nếu bệ hạ sai trọng thần đến nơi thăm hỏi, ban đức cấp thưởng để chiêu dụ họ, thế tất họ sẽ dắt trẻ dìu già theo về thánh đức. Nếu [bệ hạ] không dùng đất ấy làm gì, thì nước đã mất làm cho còn, dòng đã tuyệt khiến nối lại, phong làm vương hầu, như thế tất họ phải đem mình làm tôi, đời đời nộp cống. Bệ hạ chỉ dùng cái ấn vuông một tấc, dây thao một trượng hai, mà trấn vỗ được đất ngoài, không phải nhọc mệt tên lính nào, không phải cùn một chiếc giáo nào, mà uy đức đều được cả. Nay đem quân vào đất họ, họ tất sợ hãi, trốn vào rừng núi; nếu ta bỏ về, thì họ lại họp đàn tụ lũ, nếu ta ở để giữ, thì hết năm này sang năm khác, quân lính mệt mỏi, lương thực thiếu hết, một phương có việc gấp, thì bốn mặt đều sợ. Thần sợ rằng biến cố sẽ sinh, gian tà sẽ nổi, đều là bắt đầu từ đấy cả.
Thần nghĩ rằng: quân của thiên tử chỉ đi đánh kẻ dưới phạm lỗi, chứ không đi đánh nhau để tranh giành, vì là không ai dám đọ sức. Nếu người Việt làm liều chống lại quan chấp sự mà trong quân kiếm củi đẩy xe có kẻ nào không về đủ thì dù có chém được đầu của Việt Vương, thần cũng lấy làm xấu hổ. Bệ hạ lấy chín châu làm nhà, sinh dân đều là thần thiếp cả, đất của di địch nào có đủ làm nhàn hạ được một ngày mà phải phiền đến ngựa đổ mồ hôi mệt nhọc? Kinh Thi có câu: “Đạo vương tin thực, đất Từ theo về”. Ý nói vương đạo rất lớn mà phương xa mến phục. Thần An trộm lo rằng tướng lại đem 10 vạn quân đi chỉ làm cái trách nhiệm của một người sứ giả mà thôi.”
Khi ấy quân nhà Hán chưa qua đèo, Mân Việt Vương đã phát binh giữ chỗ hiểm để chống cự. Em Mân Việt Vương là Dư Thiện cùng với người trong họ bàn nhau rằng: “Vì vương tự tiện đem quân đánh Nam Việt không xin phép nhà Hán, cho nên nhà Hán đem quân đến đánh. Quân Hán nhiều và mạnh, dù may mà mình có đánh được chăng nữa sau họ lại kéo sang nhiều hơn, chung quy nước cũng bị diệt, chi bằng giết vương để tạ lỗi với nhà Hán mà xin bãi binh”. Bèn giết Sính, sai sứ đem đầu nộp cho Vương Khôi. Khôi liền cho đóng quân lại, bảo cho Hàn An Quốc, rồi sai sứ mang đầu Sính chạy về báo. Vua Hán sai Trang Trợ sang tỏ ý cho vua biết. Vua rập đầu nói: “Thiên tử vì quả nhân đem quân giết vua Mân Việt, quả nhân dù chết cũng không báo đáp được ân đức ấy”. Mới sai thái tử là Anh Tề sang nhà Hán làm con tin. Nhân bảo Trợ rằng: “Nước tôi mới bị cướp, sứ giả cứ về trước, quả nhân đang ngày đêm sắm sửa hành trang để vào triều kiến thiên tử”. Trợ về rồi, bầy tôi đều can vua rằng: “Quân nhà Hán giết [Mân Việt Vương] Sính là có ý muốn cảnh cáo nước Việt ta. Vả lại tiên đế đã nói thờ nhà Hán cốt không thất lễ thì thôi. Tóm lại chớ nên tin lời nói khéo, vào chầu vua Hán thì không về được nữa, đó là thế mất nước đấy.” Vua bèn nói thác là có bệnh rồi không sang yết kiến nữa.
Đinh Mùi, năm thứ 3 [134 TCN], (Hán Nguyên Quang, năm thứ 1). Mùa thu, tháng 7, ngày 30, nhật thực.
Giáp Dần, năm thứ 10 [127 TCN], (Hán Nguyên Sóc năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, ngày 30, nhật thực.
Ất Mão, năm thứ 11 [126 TCN], (Hán Nguyên Sóc năm thứ 3). Vua ốm nặng, Thái tử Anh Tề ở Hán về.
Bính Thìn, năm thứ 12 [125 TCN], (Hán Nguyên Sóc năm thứ 4). Vua mất, thụy là Văn Vương. Con là Anh Tề nối ngôi.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Văn Vương giao thiệp với nước láng giềng phải đạo, nhà Hán khen là có nghĩa, đến mức dấy binh đánh giúp kẻ thù; lại biết nghe lời can, thác bệnh không sang chầu nhà Hán, giữ phép nhà để mưu cho con cháu, có thể gọi là không xấu hổ với ông nội.
Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư,