Lịch sử Việt Nam thời vua Lý Thần Tông niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự
Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 2 [1134], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, cho Viên ngoại lang Ngụy Quốc Bảo tước Đại liêu ban.
Dựng hai chùa Thiên Ninh, Thiên Thành và tô tượng Đế Thích. Vua ngự đến xem.
Lệnh thư gia Nguyễn Mỹ dâng con ngựa màu hoa đào, đầu xanh, bốn chân mọc sáu cựa (hai chân trước đều một cựa, hai chân sau đều hai cựa).
Tháng ấy mưa lâu, làm lễ cầu tạnh.
Tháng 3, vua ngự đến quán Ngũ Nhạc.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cấm các viên chi hậu và nội nhân hỏa đầu không được tự tiện ra ngoài, ai trái thì khép tội nặng, nếu có việc công phải tâu trước rồi mới được ra.
Tháng 5, khánh thành điện Vĩnh Quang mới sửa chữa.
Phạm Tín ở châu Nghệ An và Lệnh tư gia là Trần Lưu dâng hươu trắng.
Hỏa đầu quân Hữu Ngự Long là Quách Tư dâng ngọc thiềm thừ hình dạng như mắt cá.
Vua nói: “Đó là vật nhỏ mọn, không đáng quý”. Không nhận.
Người lính ở quân Hữu Hưng Vũ là Vương Cửu dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có nét chũ Trựu, xuống chiếu cho các học sĩ và các tăng đạo biện nhận, đọc thành tám chữ: “Thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Rùa là vật linh thiêng vì nó có thể báo điềm trước, nhưng đời nào cũng thường có, không như rồng phượng và kỳ lân ít thấy. Thế mà đương thời cho rùa là điềm lành mà đem dâng cho nhiều thế là làm sao? Còn như trên ức có nét chữ chỉ là những vết trắng, nét đen xen nhau mà thôi, bầy tôi nhận là văn tự, đó là chiều ý vua mà nói nịnh thôi, có phải thực có chữ đâu. Cho nên người làm vua phải cẩn thận sự ưa chuộng.
Tháng 6, Hoàng bà là Vương Bà Lịch chết.
Mùa thu, tháng 7, rồng vàng ban đêm hiện ở điện Vĩnh Quang.
Mùa đông, tháng 11, sửa lại điện Diên Sinh và quán Ngũ Nhạc.
Tháng 12, Thành Đạo hầu (không rõ tên) chết.
Bầy tôi dâng thêm tôn hiệu là Thuận Thiên Duệ Vũ Tường Linh Cảm Ứng Khoan Nhân Quảng
Hiếu Hoàng Đế. Đại xá cho thiên hạ.
Ất Mão, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 3 [1135], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Ngự khố thư gia là Dương Chưởng giữ phủ Thanh Hóa.
Tháng 2, hai nước Chân Lạp và Chiêm Thành sang cống.
Tháng 3, Khánh Thiện hầu (không rõ tên) 1 chết.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho Tả ty lang trung Lý Công Tín ra vào cung cấm để tâu việc, không được ngăn cấm.
Vua ngự đến quán Ngũ Nhạc để khánh thành tượng Tam tôn bằng vàng bạc.
Cho Viên ngoại lang Ngụy Quốc Bảo làm Tả y lang trung.
Từ mùa xuân đến mùa hè không mưa.
Tháng 5, ngày mồng 1, có mưa.
Tháng 6, Chi hậu thư gia là Lý Xương và nhà sư ở chùa Quán Đính là Nguyễn Minh đều dâng chim sẻ trắng.
Xuống chiếu rằng những người đã bán ruộng ao không được trả tăng tiền lên mà chuộc lại, làm trái thì phải tội.
Mùa thu, tháng 7, Thái sư Trương Bá Ngọc chết.
Mùa đông, tháng 12, mở hội độ tăng ở Nghênh Tiên đường.
Mở đàn chay khánh thành ở điện Diên Sinh.
Đóng 3 chiếc thuyền Nhật Đỉnh, Thanh Lan, Diên Minh.
Bính Thìn, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 4 [1136], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, mở vườn Diên Quang tại hương Lãnh Kinh.
Thấy chuông lớn thời xưa.
Tháng 2, Thành Hưng hầu (không rõ tên) chết.
Tháng 3, Thái uý Lưu Khánh Đàm chết.
Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này).
Mùa hạ, tháng 4, Hoàng bà là Lã A Mãi ốm chết.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách chép các đế vương chưa có chỗ nào chép việc hoàng bà chết, mà trong đời Thần Tông thấy chép hai lần, có lẽ là vua đặt cách gia phong ân tứ trọng hậu cho các bảo mẫu, cho nên sử thần theo đó mà chép chăng ?
Hoàng trưởng tử Thiên Tộ sinh. Các quan dâng vàng bạc tiền lụa và biểu mừng.
Tháng 6, cho Tả ty lang trung Lý Công Tín làm Thiếu sư, tước Minh tự.
Mùa thu, tháng 9, Gián nghị đại phu Mâu Du Đô bị bãi chức.
Mùa đông, tháng 10, Thái uý Dương Anh Nhĩ chết.
Tháng 12, ngày lập xuân, vua ngự điện Sùng Uyên, các quan dâng biểu mừng. Ngày ấy gặp ngày quốc kỵ, cho nên lại đặt biểu này.
Hỏa đầu đo Tả Hưng Thánh là Tô Vũ dâng rùa thần, ở ức có nét chữ Trựu. các quan nhận ra bốn chữ “Nhất Thiên Vĩnh Thánh”.
Vua ngự đến phủ Thanh Hóa xem bắt voi.
Đinh Tỵ, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 5 [1137], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, châu Nghệ An chạy trạm tâu việc tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng 1 cướp châu ấy.
Xuống chiếu cho thái uý Lý Công Bình đem quân đi đánh.
Tháng 2, châu Nghệ An động đất, nước sông đỏ như máu. Công Bình sai Nội nhân hỏa đầu Đặng Khánh Hương về Kinh sư đem việc ấy tâu lên.
Công Bình đánh bại người Chân Lạp.
Tháng 3, Đại liêu ban Nguyễn Công Đào dâng rùa trắng.
Vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to.
Mùa hạ, tháng 4, hoàng tử thứ ba (không rõ tên) sinh.
Tháng 5, Thiếu sư Lý Công Tín dâng một khối vàng sống, nặng 47 lạng.
Tháng 6, hạn xuống chiếu cho Nguyễn Công Đào đến Vu đàn 2 ở phía nam làm lễ cầu mưa.
Mùa thu, tháng 9 , mở hội khánh thành chùa Linh Cảm, tha người có tội trong nước.
Xuống chiếu rằng: Trong ngoài kinh thành cứ ba nhà làm một bảo, để giám sát các quan chức đô coi triều ban không được đem con mình cho người khác nuôi làm con để nhờ cậy nhà quyền thế. Kẻ nào không có quan ấm 3 mà can phạm thì bắt giữ tâu lên. Người một bảo mà không giám sát nhau thì cùng một tội với can phạm.
Mùa đông, tháng 10, ngày Nhâm Ngọ, vua ngự đến hành cung Ly Nhân xem gặt.
Ngày Ất Sửu, hoàng nữ thứ hai sinh, sau phong làm Thuỵ Thiên công chúa.
Tháng 12, vua về đến Kinh sư.
Cho Ngự khố thư gia coi phủ Thanh Hóa là Dương Chưởng làm Viên ngoại lang.
Mậu Ngọ, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 6 [1138], (từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Anh Tông, Thiệu Minh năm thứ 1; Tống Thiệu Hưng năm thứ 8). Muà hạ, tháng 5, Nội nhân hỏa đầu là Hứa Viêm dâng một khối vàng sống nặng 66 lạng.
Tháng 6, hạn, sai Nhập nôi tả ty lang trung là Nguỵ Quốc Bảo triệu các quan hội bàn. Chư vệ là Phạm Tín xin đến Vu đàn làm lễ cầu mưa. Vua y theo.
Mùa thu, tháng 7, không mưa. Vua sai Hửu ty làm lễ cầu ở Vu đàn và chùa Báo Thiên.
Ban cho các quan aó mùa đông.
Tháng 9, vua không khỏe.
Lập Hoàng trưởng tử Tiên Tộ làm Hoàng thái tử. Trước vua đã lập Thiên Lộc làm con nối. Đến đây ốm, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đam của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi vua ốm nặng, sai soạn thảo di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh vua, nhưng nhớ lời dặn của ba phu nhân, cứ cầm bút mà không viết. một lát ba phu nhân đến, khóc lóc nghẹn ngào nói rằng: “Bọn thiếp nghe rằng đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người
mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng nghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao khỏi nạn? “. Vua vì thế xuống chiếu rằng:”Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương”.
Ngày 26, vua băng ở điện Vĩnh Quang, quàn ở thềm phía tây điện ấy. Các quan dâng tôn hiệu là Quảng Nhân Sùng Hiếu Văn Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thần Tông.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi ở trước linh cữu, bấy giờ mới lên ba tuổi. đổi niên hiệu là Thiệu Minh năm thứ 1. Đại xá cho thiên hạ. Tôn mẹ là Cảm Thánh phu nhân họ Lê làm Hoàng thái hậu.
Hội thề quốc nhân ở Long Trì.
Sai sứ sang cáo phó với nhà Tống.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thần Tông nối nghiệp lớn của tiên vương, làm thiên tử đời thái bình, bỏ con đích trưởng còn bú mớm, muốn lập con thứ đã trưởng thành, là lấy việc lầm lỗi khi trước mình còn non dạ làm răn, nhưng rốt cuộc chí ấy không thành. Việc Từ Văn Thông ăn hối lộ thì đã rõ ràng. Lời nói của ba phu nhân thế là thẳng thắn, nhưng tiếc rằng khi ấy không gọi ngay kẻ đại thần biết khuông phò xã tắc mà uỷ thác con côi. Than ôi! Bề tôi gian tà giao kết với người ở trong cung đình để đến nỗi làm hỏng việc của người, từ xưa vẫn có. Song việc Từ Văn Thông và ba phu nhân này chẳng còn hơn việc dạy Vệ Vương phải vâng mệnh ư? Tuy thế truyền ngôi cho con đích là lẽ thường xưa nay, nếu được người giúp là bậc hiền như Y Doản, Chu Công giúp Thái Giáp và Thành ương thì để tiếng khen đời sau mãi mãi.