Sơ lược về quá trình nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủy

Lịch sử xã hội nguyên thủy là một ngành tương đối “trẻ” của khoa học lịch sử; nó mới chỉ xuất hiện từ nửa sau thế kỉ XIX. Nhưng sự quan tâm tới bước đi đầu tiên của lịch sử nhân loại đã xuất hiện từ rất xa xưa. Các tài liệu dân tộc học đã cho thấy ở hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có những câu chuyện truyền miệng, truyện cổ tích về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc loài người, về sự hình thành các tộc người. Cùng với sự xuất hiện xã hội có giai cấp, trong dân gian lại xuất hiện những truyện truyền miệng về một: “quá khứ nửa người nửa thú” hay về một “thời đại đại đồng” khi mà con người sống không có của riêng, không biết đến sự thù địch và chiến tranh.

Các tác giả thời cổ đại là những người đầu tiên thực sự quan tâm tới một số vấn đề của xã hội nguyên thủy và đã để lại những tác phẩm có giá trị. Đó là các tác phẩm miêu tả đời sống của các bộ tộc người Xittơ, Xarmatơ của Hêrôđốt, các dân tộc vùng Tiểu Á của Kxênôphôn, vùng Nam Âu của Xtơrabôn, các bộ tộc Giécman của Xêda, Taxít v.v… Một số nhà triết học cổ đại Hi Lạp còn có ý định khôi phục bức tranh toàn cảnh của xã hội nguyên thủy. Nhà triết học duy vật Đêmôcrít đã viết : “Người nguyên thủy sống rất man rợ và mông muội; họ ra đồng và đào bới; họ ăn các loại củ và rễ cây mọc tự nhiên và các loại hoa quả do ngẫu nhiên tìm được”. Ông cũng khẳng định rằng “cuộc đấu tranh để sinh tồn đã dạy cho họ tất cả”.

Đến thời trung đại, mặc dù bị những tư tưởng thần bí tôn giáo và triết học kinh viện thống trị, những tri thức về lịch sử xã hội nguyên thủy vẫn tiếp tục được tích lũy. Các thương nhân, nhà du lịch châu Âu như Macô Pôlô khi sang phương Đông đã chú ý đến những phong tục tập quán rất đặc thù của các dân tộc ở đây và họ đã ghi chép, miêu tả, đổ lại những tác phẩm mà sau này trở thành một trong những nguồn sử liệu quan trọng.

Sự tích lũy và mở rộng các tri thức dân tộc học được đặc biệt đẩy mạnh trong thời kì phát kiến địa lí và nhất là trong quá trình xâm lược và thống trị thuộc địa của chủ nghĩa thực dân châu Âu. Những ghi chép, miêu tả các phong tục, tập quán của các dân tộc Ấn Độ, ôxtrâylia, các đảo và quần đảo châu Đại Dương, của các bộ lạc người da đỏ châu Mỹ v.v… của các nhà hàng hải – du lịch và những nhà dân tộc học, là những nguồn tài liệu quý giá, vừa là “chất xúc tác”, có tác dụng kích thích trí tò mò, thúc đẩy quá trình nghiên cứu đời sống nguyên thủy của các bộ lạc.

Trên cơ sở của các nguồn tài liệu đã được tích lũy, từ cuối thế kỉ XVIII, nhiều nhà nghiên cứu (như I.Forster, K.Thompson…) đã tiến hành tổng hợp tư liệu và khái quát các giai đoạn phát triển của xã hội nguyên thủy. Nhà
bác học người Thụy Điển Xven Nilxơn lại chia lịch sử loài người làm 4 giai đoạn : mông muội, du mục, nông nghiệp và văn minh.

Từ nửa đầu TK XIX bắt đầu những phát hiện quan trọng của khảo cổ học, nhất là những phát hiện về di cốt hóa thạch, mở ra một khả năng mới để nghiên cứu về nguồn gốc loài người. Một trường phái mới – trường phái tiến hóa bắt đầu xuất hiện. Người đặt cơ sở cho học thuyết tiến hóa này là nhà bác học người Pháp B.Lamac (1744 – 1829). Trong công trình “Nghiên cứu về cơ cấu của các cơ thể sống” xuất bản năm 1802, ông đã nêu lên ý tưởng về sự tiến hóa dần dần của các cơ thể sống từ đơn giản nhất đến con người. Quá trình đó là do cấu tạo cơ thể của chúng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Mặc dù vậy, phải chờ tới Đacuyn (1809 – 1882) thì học thuyết tiến hóa mới được phát triển hoàn thiện. Trong các tác phẩm “Nguồn gốc các loài” (in năm 1859) và “Nguồn gốc loài người và sự chọn lọc giới tính” (in năm 1871), Đacuyn đã khẳng định nguồn gốc động vật của loài người và giải thích quá trình đó bằng quy luật chọn lọc tự nhiên. Quan điểm đó đã trở thành nền tảng cho học thuyết duy vật về nguồn gốc loài người.

Thuyết tiến hóa đã có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của khảo cổ học và nhân chủng học. Dựa trên cơ sở của thuyết tiến hóa, ngay từ cuối thế kỉ trước, nhiều nhà khoa học đã nêu ý kiến về sự tồn tại của dạng người vượn trung gian và ý kiến đó đã được chứng thực khi Đuyboa (Dubois) tìm thấy di cốt của người Pithécanthropus trên bờ sông Sôlô ở đảo Java (Inđônêxia) vào năm 1891. Cùng với di cốt người Nêanđectan được phát hiện ở thung lũng Nêanđectan (Đức) năm 1856, phát hiện mới này ở đảo Java cũng giúp các nhà khảo cổ học theo thuyết tiến hóa khẳng định và tin tưởng ở công việc tìm kiếm của mình. Hàng loạt các phát hiện quan trọng khác đã được lần lượt công bố, trong đó quan trọng nhất là việc phát hiện được di cốt người vượn Sinanthropus và công cụ đá cũ của người nguyên thủy ở hang Sen, Asơn, Muxchiẽ và nhiều nơi khác.

Nhờ có các nguồn tài liệu đã được tích lũy ngày càng nhiều ngay từ đầu thế kỉ XIX, nhiều nhà khoa học đã chú ý nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủy một cách toàn diện. Trong lĩnh vực này, nhà dân tộc học Mỹ L.G.Moocgan có nhiều công lao to lớn. Trong các công trình nghiên cứu như “Xã hội cổ đại” (1877), “Hệ thống dòng tộc và bản chất của nó” (1870), Moocgan đã dựa trên khối lượng tư liệu khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử của cả thế giới trong đó có những tài liệu do chính ông thu thập được qua việc nghiên cứu đời sống, của bộ lạc người da đỏ Irôqua để khái quát hóa và phân chia lịch sử loài người làm 3 thời kì: mông muội, dã man và văn minh.

Một bước ngoặt quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủy là các tác phẩm của Ph.Enghen “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” (1884), “Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến
từ vượn thành người” (1873 – 1876). Quan điểm của ông đã được các nhà sử học Macxit tiếp tục phát triển sau này.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận