Cũng như các loại chữ viết cổ của người Sume, người Ấn Độ hay người Trung Quốc, văn tự cổ của người Ai Cập được hình thành từ những hình vẽ và các kiểu hoa văn có từ thời nguyên thủy.
Về hình dạng, chữ Ai Cập lúc đầu rất giống với hình các sự vật thật muốn mô tả, vì thế được gọi là chữ tượng hình. Các bản chữ tượng hình được khắc trên đá, nhìn về hình dạng giống như một bức họa tổng hợp nhiều hình vẽ, được sắp xếp theo một thứ tự nhất định để gợi lên cho người đọc một sự vật nhất định nào đó. Thí dụ, muốn nói về Mặt Trời, họ vẽ một vòng tròn nhỏ, ở giữa thêm một cái chấm.
Để diễn đạt được những khái niệm phức tạp, trừu tượng, người cổ Ai Cập đã dùng phương pháp tượng trưng. Thí dụ, muốn ám chỉ sự khát nước, người ta vẽ ba làn sóng và thêm một cái đầu con trâu.
Trong quá trình sử dụng, để viết cho nhanh, người Ai Cập đã cải tiến chữ viết theo hướng đơn giản hóa, chỉ lấy một phần điển hình nào đó của vật thể để biểu đạt; loại chữ đó được gọi là chữ thảo. Các thư lại đã sáng tạo ra kiểu chữ này ngay từ thời Cổ vương quốc.
Từ những kí hiệu tượng hình biểu đạt một từ, một khái niệm nào đấy, dần dần được dùng để biểu hiện âm tiết. Thí dụ, hình vẽ hai đường song song = để chỉ kênh đào và được đọc là “Mer”.
Như thế là, ngay từ thời Cổ vương quốc, người Ai Cập đã có một hệ thống mẫu tự bằng kí hiệu. Tuy nhiên, khi muốn viết một từ họ vẫn phải dùng cả dấu hiệu tượng hình và dấu hiệu chỉ âm. Do có chữ tượng hình, người Ai Cập cổ đại có thể ghi chép các tài liệu kinh tế, chính trị và sáng tác văn học, khoa học mà ngày nay người ta vẫn đang tiếp tục sưu tầm và nghiên cứu.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,