Ngô Quyền – Người anh hùng chấm dứt hơn 1000 năm bắc thuộc

Thời gian: Chưa rõ

Tóm tắt sử Việt – 12 khúc tráng ca – Khúc ca thứ hai, tựa đề Hùng ca tự chủ. Ngô Quyền – Người anh hùng chấm dứt hơn 1000 năm bắc thuộc.

Người ta gọi ngài là vị “vua đứng đầu các vua”, Phan Bội Châu thì gọi ngài là “vị Tổ trung hưng của Việt Nam”. Những mỹ từ ấy dành cho ngài không hề quá lời. Bởi vì ngài là Ngô Quyền.

1. Ngô Quyền lên ngôi

Nhà vua sinh năm 897, là con trai của Châu mục Đường Lâm Ngô Mân.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi Ngô Quyền vừa mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có ba nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chóp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc.

khúc ca đầu tiên, chúng ta đã nghe về Khúc Hạo. Dưới trướng Khúc Hạo, tại Ái Châu (Thanh Hóa) có một vị tướng tên là Dương Đình Nghệ, một người rất trung thành và yêu nước. Khi Lý Khắc Chính – tướng nhà Nam Hán – đánh bại họ Khúc và bắt Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ đã chiêu mộ về quanh mình hơn 3000 giả tử (con nuôi, cũng có thể hiểu là gia khách), triệu tập hào kiệt khắp nơi để báo thù cho chủ. Ông có ba nha tướng quan trọng, mà cả ba người sau này đều có vai trò trong lịch sử Việt Nam. Một anh hùng, một kẻ phản bội và một người cha có một người con anh hùng. Đầu tiên là Ngô Quyền, hai là Kiều Công Tiễn và ba là Đinh Công Trứ (cha của Đinh Bộ Lĩnh). Trong đó Ngô Quyền là được người được ưu ái nhất, không chỉ là con nuôi, nha tướng mà còn là con rể của ông.

Năm 931, Dương Đình Nghệ đem quân ra Đại La vây thứ sử Giao Châu là Lý Tiến, để Ngô Quyền ở lại giữ Ái Châu thay mình. Vua Nam Hán sai Trần Bảo đem quân sang cứu, nhưng đến nơi thì Dương Đình Nghệ đã hạ được thành, còn Lý Tiến trốn về nước. Lúc Trần Bảo vây thành, Dương Đình Nghệ đem quân ra đánh, giết chết Trần Bảo. Chiến thắng đã giúp ông lấy lại vị trí Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu cho người Việt, tiếp tục nền tự chủ mà dòng họ Khúc để lại.

Độc lập kéo dài được khoảng 7 năm thì đến một ngày mùa xuân của năm 937, ông bị ái tướng của mình là Kiều Công Tiễn phản bội. Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ rồi tự xưng là tiết độ sứ. Từ Ái Châu, nhận được tin báo, Ngô Quyền tức giận kéo quân ra đánh Kiều Công Tiễn, báo thù cho Dương Đình Nghệ. Hành động hèn hạ của Kiều Công Tiễn đã gây ra sự phản ứng dữ dội, tất cả các hào trưởng đều đứng dưới ngọn cờ của Ngô Quyền, kể cả cháu nội của Kiều Công Tiễn là Kiều Công Hãn (người sau này sẽ trở thành một trong 12 sứ quân mà sử sách gọi là “Loạn 12 sứ quân” thời Đinh Bộ Lĩnh). Thấy bản thân mình bị cô lập, Kiều Công Tiễn đem vàng bạc qua cầu cứu vua Nam Hán. Nhưng Ngô Quyền đã kéo tiên phong ra đến Đại La. Dương Tam Kha và Ngô Xương Ngập đánh trận đầu, hạ thành, giết Kiều Công Tiễn. Dẹp yên nội loạn xong, Ngô Quyền sắp đặt trận tiền, sẵn sàng chống giặc Nam Hán đang chuẩn bị tràn sang bờ cõi.

Lúc này, ở Nam Hán, sau khi nhận được thư cầu cứu của Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán là Lưu Cung hỏi ý Sùng văn sứ là Tiêu ích, Tiêu ích trả lời: “Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.”Vua Nam Hán không nghe, sai con là Lưu Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào. Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Trí – dũng của Ngô Quyêh không chỉ được thể hiện qua những câu nói trên, hay qua lời khen của đối thủ mà qua cả cách ngài đã chiến thắng ở lòng sông huyền thoại đó. Việc khảo sát và nghĩ ra kế cắm cọc nhọn trên sông, lợi dụng khi thủy triều lên che khuất cọc và thủy triều rút để hãm địch vào trận, nhằm phá tan chiến thuyền ở Bạch Đằng rồi đây sẽ trở thành bí kíp bảo vệ dân tộc suốt hơn 1000 năm trước họa phương Bắc.

2. Trận Bạch Đằng

Hầu hết trong mỗi chúng ta đều thuộc và nhớ diễn biến của trận chiến ở sông Bạch Đằng. Đây là khi Ngô Quyền cho đóng cọc ở hai bên cửa biển. Đợi nước triều lên, nhà vua sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến và giả thua chạy để dụ quân Nam Hán đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Ngô Quyền bèn đưa quân ra đánh, liều chết chiến đấu đẩy quân Nam Hán lui về phía hàng cọc. Đúng lúc ấy thì nước triều rút xuống rất gấp, khiến thuyền địch mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi.

Nhưng đây là Bạch Đằng giang, là địa danh đã trở thành dấu mốc tự hào và vinh quang của dân tộc. Bởi thế nếu chỉ nhắc về chiến công lẫy lừng ấy bằng những dòng đơn giản như vậy thì liệu có thể khiến hậu nhân nhớ về Bạch Đằng để khâm phục tài trí của cha ông? Bởi dòng sông này, chiến tích này quá vĩ đại nên ta cần đào sâu, đọc kỹ, truy xét tỉ mỉ. Ngô Quyền đã đóng cọc ở sông như thế nào? Ngô Quyền đã làm gì để có thể dụ được giặc vào đúng thời điểm thủy triều lên và rút đi như thế?

2.1. Tính khoa học

Sông Bạch Đằng là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km, thuộc hệ thống sông Thái Bình. Đây là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa) từ miền Nam Trung Quốc. Đó là lý do vì sao sông Bạch Đằng luôn là địa điểm của các trận giao tranh. Khoảng 500 – 700 năm trước, nơi đây là một bộ phận của châu thổ sông Hồng. Vì thế lòng chính sông không bị xâm thực, hình phễu, sâu rộng như bây giờ mà nông hơn và hẹp hơn. Mô tả của Nguyễn Trãi trong Dư địa chí như sau: “Sông Vân Cừ rộng hai dặm sáu mươi chín trượng, sâu năm thước.” Vì vậy việc tồn tại một trận địa cọc chính cắm ngang qua dòng chủ lưu sông Bạch Đằng vào giai đoạn 500 – 700 năm trước là phù hợp với thủy văn, địa chất lúc đó.

Tính khoa học trong việc cắm cọc trên sông Bạch Đằng vào những năm 938 thực tế là trùng khớp với nguyên lý xây dựng của thời hiện đại, đó là hệ thống móng cọc và móng cừ tràm ở các công trình xây dựng bây giờ. Tất cả các loại cọc đóng từ thô sơ đến hiện đại đều dựa trên một nguyên lý khoa học căn bản là lực ma sát. Nếu chỉ đóng một cọc thì khi có lực lớn từ trên tác động xuống, nó sẽ dễ bị tụt xuống dưới sình. Nhưng với số lượng cọc chi chít dính sát vào nhau, nhờ lực ma sát, chúng sẽ kết dính cứng lại với cát và bùn đất xung quanh, kể cả sình lầy đi chăng nữa, và qua đó tạo thành một khối cứng dưới lòng đất. Trí tuệ của ông cha chính là phát hiện ra lực ma sát đó.

2.2. Phương pháp đóng cọc trên sông

Vào năm 2008, Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hải Phòng đã tổ chức hội thảo “Tìm hiểu kỹ thuật cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng chống giặc ngoại xâm”. Các nhà nghiên cứu khoa học đã cùng nhau tìm hiểu phương pháp đóng cọc trên lòng sông. Theo đó, kỹ thuật cắm cọc trên lòng sông Bạch Đằng đã sử dụng kinh nghiệm cắm cọc đáy của dân chài ngày xưa: “Dây giữ cọc, cọc giữ dây, dây giữ phương tiện (thuyền).” Nghĩa là vấn đề cắm cọc sâu hay nông, cọc to hay nhỏ không quan trọng bằng sự chắc chắn của cọc nháng và dây nháng (có vai trò đối với cọc gỗ như những chiếc neo đối với tàu thuyền, bè mảng). Thời điểm đóng cọc là đợi lúc thủy triều rút xuống, mực nước ở mức thấp nhất.

Kỹ thuật cắm cọc như sau: Cọc lớn được thả xuống sông, đầu gốc được nhấn chìm một phần xuống mặt bùn, phần ngọn buộc một sợi dây để giữ và điều chỉnh cọc. Thân cọc được dựng theo phương thẳng đứng với mặt nước, dây nháng tiền và hậu buộc ở thân trên giữ cho cọc không bị nghiêng ngả. Cũng tại phần trên này có que nháng buộc ngang cọc để đỡ một hoặc hai người đứng lên nhún nhảy và lắc ngang thân cọc, nhấn cọc chìm sâu dần. Khi cọc không xuyên xuống được nữa thì tháo đoạn tre ra, buộc lên cao hơn và buộc thêm một đoạn tre nữa để không chỉ hai mà bốn người cùng lắc theo nhịp. Bao giờ cọc chìm dưới mặt nước triều một mức nào đó theo tính toán của các bô lão thì dừng lại.

Nếu ở những luồng nước sâu, khi cọc sắp chìm xuống mặt nước thì tiến hành đặt nối vào một đoạn cọc khác bằng cách ốp bốn nửa đoạn cây tre dài cỡ cái đòn gánh, lấy dây mây buộc thắt lại để cho người trèo lên lắc tiếp. Đến khi cọc đứng chắc chân trong nền đất dưới đáy sông mới cởi dây mây ra, tháo đoạn cọc gá tạm đi, lắp nón sắt vào cọc. Chính nón sắt ấy sau này sẽ có tác dụng đâm thẳng vào ván gỗ của thuyền địch. Khi cọc cắm xuống độ sâu ổn định, tiến hành vừa kéo lên và vừa lắc ngang, đẩy thân cọc xiên 45 độ ngược với hướng rút ra phía biển của thủy triều.
Những đoàn thuyền của phương Bắc rồi đây sẽ nhận lấy những đoạn xiên của nhũng chiếc cọc này. Vỡ tan cả đoàn, vỡ tan luôn giác mộng xâm lược nước Việt.

2.3. Nghệ thuật chiến thắng

Điều khiến Ngô Quyền trở thành một danh tướng lẫy lừng chính là việc tính toán được khả năng lên xuống của thủy triều và dụ được địch đến nơi cắm cọc đã chuẩn bị sẵn. Nói cách khác là nghệ thuật tập trung lực lượng và lựa chọn địa điểm quyết chiến. Để làm được như thế thì phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ngô Quyền sở hữu một mạng lưới tình báo đủ tốt để ngăn cản được những thông tin tuồn ra bên ngoài về việc cắm cọc nhọn trên sông, và đủ lớn để có thể biết được thời gian mà quân Nam Hán đổ bộ vào Bạch Đằng. Đến khi giao chiến, Ngô Quyền phải tính toán thời gian sao cho khớp để có thể dẫn dụ quân Nam Hán đến cửa sông khi thủy triều còn dâng cao che đi những chiếc cọc nhọn và tính toán sao cho đúng thời điểm thủy triều chuẩn bị rút.

Vào thời điểm mà thủy triều chuẩn bị rút đi cũng là lúc ông cho quân quay đầu giao chiến đánh liều chết, đánh rát từ các hưóng để ép đội thuyền của quân Nam Hán phải lùi ra cửa sông. Những cọc nhọn nhô lên mặt sông trở thành bãi đá ngầm chọc thủng thuyền của giặc, khiến chúng va vào nhau, kẹt cứng ở đó như cá mắc cạn. Thuyền của Ngô Quyền vốn là thuyền nhỏ, rất linh động, lại nắm vững địa hình sông liền ào tới, luồn lách mà đánh vào. Phần còn lại, quá đon giản để đoán biết kết quả.

Nghệ thuật cắm cọc nhọn ngăn giặc phương Bắc đều là từ Ngô Quyền mà ra.

Ngô Thì Sĩ nhận định trong sách Việt sử tiêu án như sau: “Trận đánh ở Bạch Đằng là cái căn bản khôi phục quốc thống đó. Sau này Đinh, Lê, Lý, Trần còn phải nhờ dư liệt ấy. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chi khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi.”

3. Tiền Ngô Vương

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng là vương, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô; dời đô tới Cổ Loa, như nhắc nhở về vong hồn dân tộc hơn 1000 năm về trước thuở chưa mất nước. Từ đây, dân tộc ta chính thức chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc. Người không có miếu hiệu, cũng chẳng có thụy hiệu, con cháu đời sau vì quá yêu quý và ngưỡng mộ mà gọi là Tiền Ngô Vương.

Đến năm 944, Ngô Vương qua đời khi mới 47 tuổi, chỉ làm vua được 6 năm. Nhưng công tích để lại thì vô cùng rực rỡ.

Sử gia Lê Văn Hưu khi biên soạn Đại Việt sử ký đã viết về ngài với sự ngưỡng mộ không giấu giếm: “Tiền Ngô Vương có thể lây quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy.

Còn sử gia Ngô Sĩ Liên thì viết trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua.

Sử gia các thời đại đều nhắc về Ngô Vương với tình cảm và sự khâm phục. Hậu nhân nhắc về Ngô Quyền còn đầy lòng tự hào và biết ơn. Nguyễn Trãi khi đi qua cửa sông Bạch Đằng, đã có câu thơ tả về dòng sông ấy như sau:

“Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.

Nghĩa là:

“Cửa sông xung yếu do trời đặt, hai người chống cả trăm người,
Những bậc anh hùng xưa kia từng lập công ở đất này.”

Ngô Quyền và chiên thắng trên lòng sông Bạch Đằng năm 938 không chi mở ra giai đoạn độc lập lâu dài của dân tộc, chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc mà còn dành tặng cho hậu nhân một bài học binh pháp để bảo vệ nền độc lập tự chủ trong suốt hơn 1000 năm tiếp theo, đấy là nghệ thuật mai phục và cắm cọc nhọn trên lòng sông lịch sử, hòng bảo vệ đất nước trong cơn nguy nan.

Sử việt - 12 khúc tráng ca,

5 1 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

1 Bình luận
cũ nhất
mới nhất vote
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận
Ngô Văn Diệm
Ngô Văn Diệm
24/12/2023 8:58 sáng

Văn hóa thời đó là như thế nào ,chữ viết ra sao ,kinh tế , quân sự được huấn luyện như thế nào . Điều mà thế hệ chúng ta cần phải biết được . không thấy có kênh nào nói rõ ràng chi tiết