Giữa khu vực Tây Á có 2 con sông lớn – Sông Tigrơ và sông Ơphơrát – bắt nguồn từ miền rừng núi Ácmêni chảy xuôi bên nhau, rồi cùng đổ ra vịnh Pécxích (Vịnh Ba Tư). Vùng bình nguyên nằm giữa 2 sông đó – ở hạ và trung lưu – thường được gọi là Mêdôpôtami (Mésopotamie) “miền đất giữa hai con sông” (hay Lưỡng Hà). Phía bắc và phía đông bình nguyên Mêdôpôtami có dãy núi biên giới Ácmênia và cao nguyên Iran cằn cỗi, phía tây giáp thảo nguyên Xiri và sa mạc Arabi, phía nam là vịnh Pécxích. Vùng này có khí hậu lục địa, ngày rất nóng, đêm rất lạnh, ít mưa.
Giống như Sông Nin ở Ai Cập, hai sông Tigrơ và Ơphơrát có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của các quốc gia ở khu vực Lưỡng Hà. Hàng năm, vào mùa xuân, băng tuyết ở vùng núi rừng Ácmêni tan ra, lũ đổ về xuôi, làm mực nước hai con sông ấy dâng cao, gây nên những trận lũ lụt khủng khiếp ở lưu vực Lưỡng Hà. Nước rút đi, còn lại lớp phù sa màu mỡ, dày đặc thích hợp cho việc gieo trồng lúa mạch lúa mì. Tigrơ và Ơphơrát còn tạo ra những con đường thương mại cầu nối giữa vùng Hắc Hải – vịnh Ba Tư và giữa Địa Trung Hải với phương Đông, tạo nên hành lang giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia Đông – Tây.
Người Sumer có nhiều truyền thuyết về hạn hồng thủy, những truyền thuyết này về sau càng được thêu dệt thêm và đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm tôn giáo của họ.
Khí hậu Lưỡng Hà nóng và khô. Lượng mưa hàng năm không đáng kể; do vậy nông nghiệp chủ yếu được tiến hành trên những vùng đất đã được nước sông tưới tiêu tự nhiên hay bằng sức lao động của con người. Từ xa xưa, cư dân Lưỡng Hà đã chăm lo tới công tác thủy lợi, đào kênh máng để tưới tiêu cho đồng ruộng. Lưỡng Hà hầu như không có kim loại và mỏ đá quý, đó chính là khó khăn và thua thiệt đáng kể của Lưỡng Hà so với các nước khác. Bù lại, Lưỡng Hà lại có khá nhiều đất sét tốt, nguồn nguyên liệu chủ yếu để phát triển nghề gốm, gạch, sứ của Lưỡng Hà sau này.
Thiên nhiên đã ưu đãi Lưỡng Hà, cây chà là rất quý hiếm, quả để ăn, vỏ để đan lát và hạt có thể dùng để đốt thay than.
Chà là là một loại cây thuốc họ cọ, được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới: ven bờ Địa Trung Hải, đọc sông Nin, trên bán đảo Aráp, Nam Caliphoócnia, Nam Mĩ và Bắc Ấn Độ. Ở trung và hạ lưu Tigrơ và Ơphơrát trồng nhiều chà là nhất. Trung bình, cây chà là trưởng thành, có chiều cao tới 20m, đường kính thân cây là 70cm, tán lá rộng từ 2 đến 3m. Nhiệt độ thích hợp nhất để chà là phát triển là khoảng 20 – 25°C, Mỗi năm trong điều kiện nhiệt độ lí tưởng, một cây chà là có thể cung cấp từ 100 đến 150 kg quả. Chà là là một loại cây có nhiều chất dinh dưỡng ngoài đường (khoảng 62%), còn có chất béo (1%), đạm (3%).
Những điều kiện tự nhiên đó đã có ảnh hưởng khá rõ trong hoạt động kinh tế cũng như đời sống chính trị, xã hội của cư dân cổ ở khu vực này, tạo nên những sắc thái riêng của vùng Lưỡng Hà. Lưỡng Hà không có một biên giới thiên nhiên hiểm trở che chắn, địa hình khá bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, cỏ cây tốt tươi nằm giữa vùng sa mạc Siri nóng bỏng và cao nguyên Iran cằn cỗi. Do vậy các tộc người sống xung quanh khu vực Lưỡng Hà đều nhòm ngó thèm khát vùng đất phì nhiêu ấy. Lịch sử Lưỡng Hà đầy rẫy những biến động xã hội, những cuộc chiến tranh giữa các tộc định cư và du mục, kết quả là các cộng đồng người trước sau đã đồng hóa với nhau và cùng giúp sức xây dựng nên nền văn hóa lâu đời, độc đáo của khu vực này.
Người Sumer được coi là cư dân xưa nhất. Họ là những người đầu tiên xây dựng nền văn minh tối cổ của lưu vực Lưỡng Hà. Khoảng thiên niên kỉ IV TCN, người Sumer đã thiên đi từ miền rừng núi Trung Á xuống định cư dần ở miền Nam Lưỡng Hà, lấy nông nghiệp tưới tiêu làm hoạt động kinh tế chủ yếu và thiết lập nên nhiều quốc gia như Ua, Êriđu, Lagas, Kis, Suruphe, Urúc.
Từ thiên niên kỉ III TCN, các bộ lạc du mục người Xêmit, bao gồm người Akkad, Phênixi, Hêbơrơ, Atxiri, Canđê… đã tới định cư trên một dải rộng từ Xiri đến sa mạc Aráp. Trong số đó, người Akkad đã định cư ở vùng trung lưu Lưỡng Hà, khoảng năm 3500 TCN chuyển từ đời sống du mục sang lối sống định cư dựa trên kinh tế nông nghiệp tưới tiêu. Cuộc xung đột để giành quyền bá chủ khu vực Lưỡng Hà cũng đã xảy ra giữa người Sumer và người Akkad trong suốt mấy trăm năm. Kết quả là cuối thiên niên kỉ III TCN, người Sumer và người Akkad đã đồng hóa với nhau.
Tiếp sau đó, có rất nhiều bộ lạc thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau ở các khu vực lân cận, cũng đã tràn tới cư trú ở khu vực Lưỡng Hà tạo nên sự đồng hóa hỗn hợp của các cộng đồng người với những ngữ hệ khác nhau, điều đó càng làm cho thành phần cư dân ở Lưỡng Hà phức tạp thêm.
Những di chỉ khảo cổ học tối cổ ở khu vực Lưỡng Hà chưa được phát hiện đầy đủ.
Nhờ những cố gắng của các nhà khảo cổ, người ta đã tìm thấy những di chỉ cư trú xưa nhất của cư dân Lưỡng Hà ở đầu thiên niên kỉ IV TCN – thời kì quá độ từ đá mới sang đồng – tiêu biểu nhất là di chỉ Êlơôbâyđơ cách thành phố Êriđu hiện nay 181 km về phía đông bắc. Cư dân sống định cư, biết nghề nông và chăn nuôi, nhưng săn bắn đánh cá vẫn có vai trò quan trọng. Họ biết dệt, chế tạo đồ gốm. Công cụ sản xuất chủ yếu bằng đá nhưng những chế phẩm bằng đồng cũng đã xuất hiện. Nhà cửa chủ yếu bằng đất, nhỏ và lợp bằng lau sậy.
Di chỉ Urúc – nằm trên bờ Ơphơrát – thuộc giữa thiên niên kỉ IV TCN. Cư dân đã biết trồng đại mạch, chăn nuôi bò, cừu, dê, lợn, nhà cửa được xây dựng bằng gạch thô, tại di chỉ này các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra chữ tượng hình đầu tiên của người Sumer.
Di chỉ trên đồi Đơgienđét Naxơrê thuộc cuối thiên niên kỉ IV đầu III TCN. Công cụ bằng đồng đã khá phổ biến. Người ta đã phát hiện ra dấu vết của nhiều xe vận chuyển cả bánh do gia súc kéo và xe trượt ở những vùng lầy lội, nghề nông phát triển và kĩ nghệ gốm đã thành đạt.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,