Trung Tông Hoàng Đế: Tên húy là Long Việt, con thứ ba của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ.
Lên ngôi được 3 ngày thì bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết, thọ 23 tuổi (983-1005). Vua không biết phòng giữ từ khi mới chớm, đến nỗi bị họa nạn, tính nhân hậu nhưng không biết làm vua, tiếc thay!
Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng, vua cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em cùng mẹ là Khai Minh Vương tranh nhau lên ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ. Mùa đông, tháng 10, Đông Thành Vương thua chạy vào đất Cử Long. Vua đuổi bắt, lại chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La (nay là Kỳ La). Khi ấy, người nước cũng quy phụ Ngự Bắc Vương ở trại Phù Lan.
Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi điều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho vua là Trung Tông Hoàng Đế, cho Công Uẩn làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ.
Lê Văn Hưu nói: Ngọa Triều giết anh, tự lập làm vua; bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác, đến nỗi mất nước mất ngôi, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê, lỗi ở Đại Hành không sớm đặt Thái tử và do Trung Tông không biết phòng giữ từ khi mới chớm nên đến nỗi thế.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách Dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông. Thế thì Trung Tông về tình anh em tuy là hậu, nhưng việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huống chi là em bất dễ! Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến khi chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng là tự Trung Tông làm ra cả. Ngọa Triều thì có bõ trách làm chi? Cho nên người làm vua tất phải cư xử cho thật đúng đắn và phải xét hết lẽ vậy.
Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư,