Vương quốc cổ Ai Cập ra đời – Thời kỳ Tảo vương quốc

Vương quốc cổ Ai Cập hay còn gọi là Tảo vương quốc trong lịch sử Ai Cập cổ đại ra đời trước sau khoảng năm 3100 TCN. Pharaông Menes là người có công thống nhất hai vương quốc Thượng và Hạ Ai Cập thành một vương triều duy nhất. Thời kì Tảo vương quốc bao gồm Vương triều thứ I và Vương triều thứ II kéo dài đến khoảng năm 2686 TCN, kinh đô nằm ở Memphis.

Vương quốc cổ Ai Cập ra đời như thế nào?

Sông Nin dài hơn 6.000 km bắt nguồn từ vùng cao nguyên trung bộ châu Phi. Dòng sông lớn nổi tiếng thế giới này đã mang lại nguồn nước phong phú và đất đai màu mỡ cũng mang lại cuộc sống và sự phồn vinh cho Ai Cập. Khoảng năm 6000 TCN, người cổ Ai Cập đã dần dần định cư ở đây. Lúc đầu họ sống cuộc sống nguyên thủy, dùng công cụ thô sơ để trừ bỏ cỏ rậm và gai góc ở hai bờ sông, đào mương đắp bờ, trồng trọt các loại cây nông nghiệp trên những mảnh đất được tưới nước. Cuối cùng đã biến vùng đất khí hậu khô khan này thành kho lương thực nổi tiếng thời cổ đại.

Cùng với sự phát triển kinh tế, cổ Ai Cập bắt đầu từ xã hội nguyên thủy dần dần bước sang xã hội nô lệ. Tuy vậy khoảng năm 4000 TCN, Ai Cập chưa hình thành một quốc gia thống nhất. Khi đó Ai Cập có khoảng hơn 40 ”Nôm”, mỗi Nôm đều có vị thần tôn thờ của mình, sau này lại có quân đội và lá cờ dùng để tượng trưng cho bộ lạc, trên thực tế đó đều là những tiểu vương quốc độc lập. Giữa các Nôm đã trải qua chiến tranh, thôn tính dài lâu. Cuối cùng đã phải chia vùng đồng bằng sông Nin dài và hẹp thành hai vương quốc độc lập lớn ở Bắc bộ và Nam bộ.

  • Miền Bắc gọi là Vương quốc Hạ Ai Cập, Quốc vương đội mũ đỏ, lấy Rắn thần làm thần hộ mệnh, lấy con ong làm quốc huy.
  • Miền Nam gọi là Vương quốc Thượng Ai Cập, Quốc vương đội mũ trắng, lấy chim ưng làm thần hộ mệnh, lấy hoa bách hợp trắng làm quốc huy.

Thượng và Hạ Ai Cập luôn luôn nổ ra chiến tranh. Vào khoảng trước sau năm 3100 TCN, Thượng Ai Cập dần dần cường thịnh, Quốc vương Menes đã thân dẫn đại quân đi đánh Hạ Ai Cập.

Quân hai bên đã có trận quyết chiến ở vùng Tam giác châu sông Nin: Menes đầu đội mũ trắng, trên mũ trang trí mặt chim ưng thần, tự mình ra trước trận tiền đốc chiến. Trong tiếng gào thét âm vang, gươm giáo sáng lòa, những lá cờ vẽ hoa bách hợp trắng và những lá cờ có hình con ong vung lên, quấn vào nhau, quân hai bên xông vào đánh giáp lá cà không sao phân giải được. Qua ba ngày ba đêm kịch chiến, cuối cùng quân Hạ Ai Cập bị đánh tan.
Quốc vương Hạ Ai Cập đứng trước đám tù binh, tháo chiếc mũ đỏ rồi quỳ xuống đất, hai tay nâng mũ dâng cho Menes.

Để kỷ niệm chiến thắng này, Menes đã gọi tên vùng đất quyết chiến này là “Bạch Thành” (Thành trắng). Sau này nơi đây trở thành Thủ đô của Cổ vương quốc Ai Cập – Memphit (Memphis).

Xây dựng nhà nước Vương quốc cổ Ai Cập

Ngày thứ hai sau lễ nhận đầu hàng, Menes bày tiệc lớn ở Bạch Thành khoản đãi công thần, thăng quan phong tước cho người có công. Từ đó Menes tự xưng là ”Vua của Thượng Hạ Ai Cập”, có lúc đội mũ trắng, có lúc đội mũ đỏ, có lúc đội hai thứ mũ gộp lại tượng trưng cho sự thống nhất Thượng Hạ Ai Cập.

Sau khi Ai Cập thống nhất, đã dần dần lập nên bộ máy cai trị chuyên chế. Người cai trị tối cao cả nước là Quốc vương, được Quốc vương đặt ra các thứ quan lại. Hàng năm đều cho người đi kiểm tra nhân khẩu, ruộng đất, súc vật và mọi thứ tài sản trong cả nước để định ra mức tô thuế.

Quốc vương được coi như thần thánh bất khả xâm phạm. Trên các bức chạm đá hoặc bích họa, Quốc vương đều được vẽ thành một vị thần khổng lồ hoặc vẽ thành hình dáng rắn thần, chim ưng thần. Sau này, mọi người không còn được gọi tên Quốc vương mà tôn xưng là Pharaông (vốn có nghĩa là ”cung điện” sau chuyển sang ý ”chủ cung điện” tương tự như Trung Quốc, Việt Nam xưa tôn xưng vua là ”Bệ hạ”).

”Pharaông tôn kính, Người được Trời cho thông tuệ sáng suốt thấu hiểu muôn vật, liệu định công việc như thần…”. Các quan to khi triều kiến Quốc vương đều nói những lời ca tụng đại loại như vậy, lại phải phủ phục trước ngai vua, cúi rạp mình xuống đất hôn lên mặt đất trước chân Quốc vương, không được tùy ý ngẩng đầu.

Kết luận

Bắt đầu từ khi Menes thống nhất Ai Cập vào thế kỷ XXX TCN, Ai Cập bước vào thời kỳ Tảo Vương quốc, cho đến thế kỷ XI TCN lần lượt trải qua các thời kỳ Cổ Vương quốc, Trung Vương quốc, Tân Vương quốc. Từ đó về sau Ai Cập dần dần suy yếu, lần lượt bị Libi, Atxua xâm nhập. Giữa thế kỷ VII trước Công nguyên, giành lại độc lập. Sau đó lại bị đế quốc Ba Tư, HyLạp, Maxêđônia chinh phục. Năm 30 TCN lại bị sáp nhập vào bản đồ đế quốc Rôma.

Vương quốc cổ Ai Cập là một trong những ngọn nguồn của văn minh thế giới. Nhân dân cổ Ai Cập đã đạt được những thành tựu to lớn về các mặt chữ viết, lịch pháp, nghệ thuật, tri thức khoa học,… đã từng có ảnh hưởng lớn tới Tây bộ châu Á và châu Âu, đã có cống hiến lớn lao không thể phai mờ đối với lịch sử loài người.