Nam triều – Tống Văn Đế tên là Lưu Nghĩa Long, lúc nhỏ tự là Xa Nhi. Là con trai thứ 3 của Lưu Dụ. Tuổi Mùi. Tính cách thâm trầm, giỏi mưu lược, rất đa nghi, sức khoẻ ốm yếu, có nhiều bệnh tật. Kế vị sau khi Lưu Nghĩa Phù bị giết chết. Tại vị 30 năm, bị thái tử Lưu Thiệu mưu sát, thọ 47 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 407 – 453.
Nơi an táng: Lăng Trường Ninh (nay là Tưởng Sơn ở phía đông bắc huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô).
Công – tội: Kế thừa và phát triển cuộc cải cách của Lưu Dụ, khiến cho đời sống dân chúng được sung túc, thay đổi cục diện ở Giang Nam. Nhưng sau này lần lượt phát động hai cuộc bắc phạt đều bị thất bại, làm hao tổn quốc lực, khiến cho chính quyền Nam Tống từ thịnh thành suy.
Lưu Nghĩa Long từng được phong làm Nghi Đô Vương kiêm thứ sử Kinh Châu.
Tháng 6 năm 424, khi Lưu Nghĩa Phù bị giết chết, Lưu Nghĩa Long đang trấn thủ ở Giang Lăng. Ít lâu sau ông nhận được báo cáo từ triều đình nói rằng thượng thư lệnh Phổ Quang sẽ đến đón ông về Kiến Khang, kế thừa ngôi hoàng đế. Trước đó, tin Lưu Nghĩa Phù bị giết chết đã truyền đến Giang Lăng, khiến Lưu Nghĩa Long và thuộc hạ vừa kinh ngạc, vừa đau khổ. Nay việc Phó Lượng đến Giang Lăng khiến cho các quan lại đều thấy nghi kỵ.
Trong khi các quan lại không ngớt tranh luận thì Lưu Nghĩa Long khi đó mới 18 tuổi lại tỏ ra rất điềm tĩnh. Ông cho rằng bọn Phó Lượng, Từ Tiễn Chi đều là những cố mệnh đại thần, sở dĩ bọn họ muốn lập ông làm hoàng đế là do ông còn trẻ tuổi, lại hay đau ốm, dễ khống chế để bọn họ có thể nắm triều chính lâu dài. Nhưng Lưu Nghĩa Long cũng cho rằng, bọn họ hiện nay chưa có ý đoạt vị nên tạm thời vẫn chưa có gì nguy hiểm. Do đó, ông quyết định về kinh đô kế vị. Tháng 8 năm đó, Lưu Nghĩa Long kế vị đổi niên hiệu là Nguyên Gia.
Sau khi làm hoàng đế để bọn Phó Lượng tin tưởng, ổn định được địa vị của mình, Lưu Nghĩa Long chính thức phong Tạ Hối làm thử sử Kinh Châu rồi lần lượt ban quan tước cho Từ Tiễn Chi, Phó Lượng, Tạ Hối, Đàn Đạo Tế và tiếp tục giao đại quyền trong triều cho Từ Tiễn Chi, Vương Hoành. Sau khi kế vị, chiêu bài đầu tiên của Lưu Nghĩa Long là gạt bỏ Tạ Hối khỏi kinh thành, lại chiếm được sự tín nhiệm của các đại thần. Người người đều cho rằng ông rất tin tưởng các vị cố mệnh đại thần, không xét đến tội họ đã phế truất Thiếu Đế.
Tuy nhiên, ít lâu sau, Lưu Nghĩa Long lại giở chiêu bài thứ hai là nhân lúc Tạ Hối không ở kinh thành, thanh trừ Từ Tiễn Chi, Phó Lượng. Tháng giêng năm 425, Lưu Nghĩa Long đã đăng cơ được tròn 5 tháng, Từ Tiễn Chi, Phó Lượng dâng tấu muốn trao trả quyền bính cho ông. Lưu Nghĩa Long rất vui mừng nhưng lại tỏ ra khiêm nhường, bọn họ phải dâng tấu đến ba lần ông mới miễn cưỡng chấp nhận.
Việc đầu tiên sau khi Lưu Nghĩa Long nắm triều chính là trừ khử Từ Tiễn Chi, Phó Lượng. Ông hạ lệnh triệu kiến hai người bạn họ, dự định sau khi họ vào cung sẽ giết chết. Không ngờ, tin tức bị bại lộ, Từ Tiễn Chi và Phó Lượng vội vàng bỏ trốn, Lưu Nghĩa Long phái quân đuổi theo. Kết quả, Phó Lượng bị giết chết, Từ Tiễn Chi tự cắt cổ chết.
Sau khi giết chết Từ Tiễn Chi và Phó Lượng, Lưu Nghĩa Long lại lấy danh nghĩa bắc phạt, tấn công Tạ Hối, Năm 426, Lưu Nghĩa Long cử Đàn Đạo Tế, người từng tham gia phế truất Thiếu Đế, dẫn quân bắc phạt. Rất nhiều đại thần can gián nhưng Lưu Nghĩa Long chỉ cười mà nói: ”Thời Thiếu Đế, Đàn Đạo Tế chỉ là người ăn theo, không có liên quan gì tới việc giết Thiếu Đế. Ta trong dụng ông ta thì tất ông ta sẽ tận lực giết giặc lập công”. Quả nhiên, lúc đầu Tạ Hối coi thường quân triều đình nhưng nghe tin Đàn Đạo Tế thống lĩnh đại quân thì hoang mang không biết làm thế nào, chỉ đánh một trận đã đại bại rồi bị bắt sống, áp giải đến Kiến Khang rồi bị chém đầu.
Sau khi diệt trừ Từ Tiễn Chi, Phó Lượng, Tạ Hối, để tăng cường quyền lực, năm 429, Lưu Nghĩa Long điều em trai thứ 4 là Bành Thành Vương Lưu Nghĩa Khang về kinh đô nhận chức Tư đồ, Lục thượng thư sự, cùng phò chính với Vương Hoành. Nhưng Vương Hoành thấy cuộc đấu tranh trong triều đình rất tàn khốc nên làm việc rất thận trọng, sau đó mượn cớ mắc bệnh, giao mọi việc cho Lưu Nghĩa Khang. Lưu Nghĩa Khang dần dần nắm giữ mọi quyền lực trong triều. Năm 436, Lưu Nghĩa Long mắc bệnh lâu ngày không khỏi, Lưu Nghĩa Khang lo lắng nếu Lưu Nghĩa Long băng hà thì Đàn Đạo Tế sẽ trở thành mối họa với mình nên triệu ông ta vào triều rồi giết chết.
Sau khi giết Đàn Đạo Tế, nắm đại quyền trong tay Lưu Nghĩa Khang ngày càng ngang ngược, chuyên quyền. Một số đại thần thấy thế lực ông ta ngày càng lớn mạnh nên liên tiếp cấu kết, kết thành bè đảng, bài xích những người khác, Lưu Nghĩa Long biết chuyện rất bực mình. Năm 440, mâu thuẫn giữa Lưu Nghĩa Long và Lưu Nghĩa Khang ngày càng gay gắt. Tháng 10, Lưu Nghĩa Long ban chiếu phong Lưu Nghĩa Khang làm thi sử Giang Châu, được hưởng đãi ngộ hậu hĩnh; Đồng thời phái Long Tương tướng quân Tô Thừa Chi dẫn quân đến đóng ở Giang Châu, giám sát Lưu Nghĩa Long, thực tế là giam lỏng Lưu Nghĩa Khang. Năm 451, Bắc Nguỵ xâm chiếm phương nam. Lưu Nghĩa Long lo Lưu Nghĩa Khang sẽ mượn cớ gây chuyện, lại thêm con trai Lưu Tuấn liên tục khuyên giải nên cuối cùng Lưu Nghĩa Long phái người giết chết Lưu Nghĩa Khang.
Trong thời gian chấp chính, Lưu Nghĩa Long luôn kiên trì chính sách tập quyền của Vũ Đế, áp chế bọn cường hào, miễn giản tô thuế, khuyến khích nông dân trồng dâu nuôi tằm, phát triển Nho học, phát triển kinh tế, được sử gia gọi là thời kỳ thịnh trị Nguyên Hoà. Nhưng sau đó, Lưu Nghĩa Long hai lần tiến hành bắc phạt thất bại, khiến chính quyền nhà Nam Tống chuyển từ thịnh trị sang suy yếu.
Những năm cuối đời, quan hệ của Lưu Nghĩa Long và thái tử Lưu Thiệu rất căng thẳng, Lưu Thiệu là người ngang ngược bảo thủ, vì muốn nhanh chóng được kế vị nên đã ngầm dùng thuật mê tín, cầu mong phụ thân mau chết. Một đêm tháng 3 năm 453, Lưu Nghĩa Long và thượng thư thái bộ Từ Trạm Chi bí mật bàn kế, chuẩn bị phế truất thái tử. Không ngờ tin tức bị rò rỉ, Lưu Thiệu lập tức triệu tập hơn 2000 dũng sĩ, phát động chính biến. Lưu Thiệu giả truyền thánh chỉ thảo phạt gian tặc để vào cung cấm, chỉ huy mấy chục người gồm cả tâm phúc Trương Siêu, xông thẳng vào cung điện của Lưu Nghĩa Long. Lưu Nghĩa Long vùa bàn bạc với Từ Trạm Chi xong liền đi ngủ, đèn đuốc trong điện vẫn chưa tắt. Trương Siêu xông thẳng đến chổ Lưu Nghĩa Long. Lưu Nghĩa Long giật mình tỉnh dậy, thuận tay cầm mấy ngọn nến chống đỡ, bị Trương Siêu chém đứt năm đầu ngón tay, đau đớn ngã gục xuống đất. Trương Siêu lièn tiến tới chém chết ông ta.
Sau khi Lưu Nghĩa Long qua đời, Lưu Thiệu kế vị. Ít lâu sau, Vũ Lăng Vương Lưu Tuấn hay tin liền khởi binh giết chết Lưu Thiệu, tự lập làm hoàng đế, đặt thụy hiệu cho Lưu Nghĩa Long là Văn Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tổ.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,