Tấn Mục Đế tên thật là Tư Mã Đam, là con trai của Tấn Khang Đế, tuổi Mão. Là một kẻ hoang dâm vô đạo. Kế vị sau khi Khang Đế qua đời, tại vị 17 năm. Ốm chết, thọ 19 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 343 – 361
Nơi an táng: Lăng Vĩnh Bình (phía tây bắc Giang Ninh tỉnh Giang Tô ngày nay). Thụy hiệu là Mục Đế, miếu hiệu là Hiếu Tông.
Các hoàng đế trước và sau thời Mục Đế đều là hoàng đế bù nhìn, bị gian thần thao túng, không có điều kiện và cũng không có khả năng để làm việc giúp ích cho đất nước. Cho nên, sử gia chỉ có thể ghi chép một số sự việc xảy ra trong thời gian hoàng đế đó tại vị mà thôi.
Tấn Mục Đế kế vị khi mới 2 tuổi. Dữu Dực muốn khởi binh bắc phạt nhưng chưa kịp giao tranh với quân Hậu Triệu thì đã ốm chết. Kế hoạch bắc phạt cũng bị phá sản.
Sau khi Dữu Dực chết, bè đảng họ Dực tan rã. Nhưng tiểu hoàng đế vẫn chỉ là một con bù nhìn được đổi chủ mà thôi. Chủ nhân mới của Mục Đế là Hoàn Ôn.
Hoàn Ôn là một tướng quân có tài thao lược. Nói một cách công bằng, ông ta không giống những kẻ gian hùng trước đây, ngoài việc thao túng tiểu hoàng đế, không làm nên công trạng gì. Ông ta rất muốn giúp sức, xây dựng triều Đông Tấn. Để đạt được mục đích đó, Hoàn Ôn lấy công chúa Nam Khang. Bước đầu, Hoàn Ôn thâu tóm quyền hành rồi dần dần thực hiện hoài bão của mình.
Năm 346, Hoàn Ôn dẫn quân tiêu diệt Thục. Chính quyền Thành Hán cát cứ ở đất Thục nhiều năm đã đầu hàng. Danh tiếng của Hoàn Ôn vang dội khắp nơi. Không lâu sau, Hậu Triệu ở phương bắc xảy ra loạn lạc. Vua Hậu Triệu là Thạch Giám bị giết chết.
Tướng quân Nhiệm Mần giết hết thân thích của họ Thạch, tự lập làm hoàng đế. Hoàn Ôn đang muốn tiến công Hậu Triệu thì đại thần trong triều sợ ông ta sẽ có nhiều công lao sẽ chuyên quyền nên thao túng hoàng đế cố ý không phê chuẩn tấu thư của ông. Đến năm 354 Hoàn Ôn mới có cơ hội xuất quân lần nữa.
Hoàn Ôn liên tiếp thắng lợi, đánh bại quân Tiên Tần, dẫn quân áp sát Trường An. Nhưng do triều đình không tích cực chi viện nên phải lui quân vì cạn kiệt lương thảo.
Sau này, Hoàn Ôn lại tiến hành bắc phạt, thu hồi lại cả Lạc Dương. Ông dâng tấu xin được dời đô về Lạc Dương nhưng triều đình sợ tình hình phương bắc bất ổn, không muốn di dời.
Những năm đó, Tư Mã Đam ngày đêm hoang lạc trong hậu cung. Năm 361, mắc bệnh qua đời.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,