Hán Huệ Đế tên thật là Lưu Doanh, là con thứ của Hán Cao Tổ, tuổi Ngọ. Ông tính tình hiền lành, nhu nhược, tại vị được 7 năm thì ốm chết. Thọ 24 tuổi. Tuy bị mẹ là Lã Hậu khống chế nhưng trong 24 năm ngắn ngủi của đời mình, ông cũng đã làm được rất nhiều việc, ông mở rộng chính sách phát triển sản xuất, để dân nghỉ ngơi của Lưu Bang, thúc đẩy kinh tế phát triển phồn thịnh. Về tư tưởng và văn hóa, ông đã xóa bỏ những lệnh cấm của thời Tần, khiến cho học thuyết Lão Hoàng thay thế vị trí của Pháp gia, tạo cơ hội cho các tư tưởng được tự do phát triển. Nhưng đáng tiếc là ông luôn bị Lã Hậu khống chế nên không thể phát huy những chính sách lớn.
Năm sinh: 221 TCN
Năm mất: 188 TCN
Nơi an táng: An Lăng (phía đông thành phố Hàm Dương ngày nay).
Thụy hiệu: Hiếu Huệ Hoàng Đế
Hoàng hậu: Trương Yên
Trước: Lưu Bang (cha)
Sau: Lưu Hằng (con Lưu Bang)
Công lao của Lưu Doanh
Công lao trong lịch sử của Huệ Đế thường gắn liền với việc xây dựng thành Trường An. Khi Lưu Bang đặt kinh đô ở Trường An, Trường An chỉ có một vài con phố, không có tường thành, không có dáng vẻ của một kinh đô. Sở dĩ Lưu Bang chọn đó làm kinh đô chỉ vì không muốn ở tại đô thành Hàm Dương của nhà Tần. Sau khi kế vị, Lưu Doanh mới tròn 17 tuổi, đã muốn dốc lòng làm những việc to lớn vì đất nước, ông bắt đầu từ việc xây dựng thành Trường An. Sau khi hạ lệnh tu sửa và mở rộng tất cả những con phố trong thành thì tập trung sức người, sức của xây dựng tường thành, sau 2 năm đã cơ bản hoàn thành. Tương truyền, chu vi tường thành là 65 dặm. Theo khảo chúng của sử gia, thời đó Trường An đã là một kinh thành hoa lệ sánh ngang với thành Roma. Sau khi Lưu Bang đóng đô ở Trường An, dựa vào lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, Trường An đã nhanh chóng phát triển phồn thịnh về mọi mặt.
Thực ra, Lưu Doanh không chỉ xây dựng tường thành của Trường An mà còn tận lực xây dựng đất nước trên mọi phương diện. Đầu tiên, ông tiếp tục thi hành chính sách khoan dung của Lưu Bang như miễn giảm thuế ruộng đất trên cả nước (đặc biệt là những vùng gặp thiên tai); khôi phục chế độ “thập ngũ thuế nhất” (nộp thuế 1/15 thu nhập). Ngoài ra, ông còn ban bố rất nhiều chính sách để khuyến khích dân chúng sinh sản, thúc đẩy thương nghiệp phát triển, phát triển thủ công nghiệp… Thời kỳ Huệ Đế tại vị là thời kỳ củng cố chính quyền nhà Hán, là thời kỳ hồi phục của kinh tế Trung Quốc, là thời kỳ hưng thịnh của dân tộc Trung Hoa. Huệ Đế là một vị hoàng đế có công lao to lớn.
Huệ Đế còn có công bãi bỏ sự cấm thúc về tư tưởng và văn hóa của nhà Tần. Ông tôn sùng triết học Lão Hoàng, dùng tư tưởng Lão Hoàng thay thế tư tưởng Pháp gia của nhà Tần, bãi bỏ sự áp chế về tư tưởng của nhà Tần, tạo thời cơ cho học thuyết Nho gia phát triển.
Nếu không phải do Lã Hậu chuyên quyền thì Lưu Doanh còn có thể làm những việc to lớn hơn nữa.
Bị Lã Hậu “độc ác” khống chế
Sau khi Lưu Bang và Hạng Vũ giao ước ở Hồng Câu, Lã Trĩ được thả về với Lưu Bang. Bà ta phát hiện Lưu Bang đang mê đắm Thích phu nhân nên rất căm giận.
Sau khi lập nên nhà Hán, Lưu Bang vẫn rất sủng ái Thích phu nhân, vẫn muốn truyền vương vị cho con trai của Thích phu nhân là Như Ý. Do các đại thần phản đối nên Lưu Bang đành phải từ bỏ ý định đó, nhưng vẫn phong cho Như Y làm Triệu Vương.
Lưu Doanh kế vị, sau khi ngồi vững trên ngôi thái hậu, Lã Trĩ bắt đầu trả thù Thích phu nhân một cách tàn bạo. Bà ta giam Thích phu nhân vào lãnh cung, lệnh cắt hết tóc trên đầu, bắt phải mặc quần áo của tù nhân, ngày ngày lao động cực khổ.
Lã Hậu biết Thích phu nhân vẫn gửi gắm hy vọng vào con trai nên cho gọi Triệu Vương Như Ý về Trường An, âm mưu giết chết cả hai mẹ con. Huệ Đế biết được âm mưu của mẫu hậu bèn đón Như Ý về cung của mình trước, ngày đêm canh chừng, cho rằng làm như vậy thì có thể bảo vệ được em trai.
Mùa đông, Lưu Doanh vốn có thói quen đi săn bắn. Sáng sớm hôm đó, Lưu Doanh vốn muốn gọi Như Ý đi cùng nhưng Như Ý không chịu dậy nên đành phải đi một mình. Sau khi Huệ Đế đi khỏi, Lã Hậu sai người mang rượu độc đến cho Như Ý, Như Ý uống xong thì thất khiếu chảy máu mà chết. Sau khi hồi cung, Lưu Doanh nhìn thấy thi thể của Như Ý thì vô cùng đau khổ.
Sau khi Triệu Vương chết, Lã Hậu có thể tùy ý bức hại Thích phu nhân. Bà ta sai người cho ép Thích phu nhân uống thuốc câm, dùng lửa đốt cháy hai tai, móc mắt, chặt đứt tứ chi, nhốt vào nhà xí cho bò qua bò lại như con lợn, gọi là “con lợn người”. Càng tàn nhẫn hơn là Lã Hậu còn kéo Lưu Doanh vào xem. Lưu Doanh vừa nhìn thấy vật người không ra người, quỷ không ra quỷ đó thì sợ hãi thất kinh. Khi được biết “con lợn người” đó chính là Thích phu nhân thì lập tức lăn ra bất tỉnh.
Càng quá đáng hơn nữa là Lã Hậu đã lợi dụng quyền lực trong tay mình, ép Lưu Doanh kết hôn với Trương Yên. Trương Yên là con gái của công chúa Lỗ Nguyên – chị gái của Lưu Doanh. Sau khi kết hôn, Lưu Doanh không chịu làm chuyện loạn luân nên đã ở riêng phòng với Trương Yên.
Lưu Doanh thấy mình bị mẫu hậu bức bách quá mức nên ngày càng trụy lạc, cả ngày mê đắm với cung nữ trong hậu cung.
Năm 188 TCN, Lưu Doanh mắc bệnh qua đời, chỉ thọ 24 tuổi.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,