Lịch sử Trung Quốc sau đại chiến Côn Dương, tiếng tăm của anh em Lưu Dần, Lưu Tú càng lớn. Có người khuyên Canh Thủy Đế trừ bỏ Lưu Dần. Canh Thủy Đế liền mượn cớ Lưu Dần chống lệnh, xử tội chết.
Lưu Tú nghe tin anh bị giết, biết lực lượng mình chưa địch nổi Canh Thủy Đế liền đến ngay Uyển Thành (nay là thành phố Nam Dương, Hà Nam) gặp Canh Thủy Đế tạ tội. Có người hỏi Lưu Tú về trận Côn Dương, ông khôn khéo không nhận công về mình mà nói đó đều là công lao của tướng sĩ. Ông cũng không dám để tang anh mà vẫn vui vẻ cười nói bình thường, không để lộ tình cảm xót thương, oán giận.
Canh Thủy Đế cho rằng Lưu Tú không hận thù mình, lại cảm thấy không nỡ trị tội, còn phong Lưu Tú làm Phá Lỗ đại tướng quân nhưng cuối cùng vẫn không trọng dụng. Sau này, khi hạ được Trường An và giết được Vương Mãng, Canh Thủy Đế về Lạc Dương mới giao cho Lưu Tú một ít binh mã, sai đi chiêu dụ các quận huyện ở Hà Bắc.
Lúc đó, quí tộc cường hào các nơi có vũ khí, kẻ tự xưng làm tướng, kẻ tự xưng làm vương, có kẻ còn tự xưng hoàng đế, đua nhau cát cứ. Canh Thủy Đế cử Lưu Tú đi Hà Bắc lại chính là tạo cơ hội cho Lưu Tú mở rộng thế lực. Ông phế bỏ mọi luật lệ hà khắc thời Vương Mãng, tha các tù phạm, một mặt tiêu diệt các thế lực cát cứ, một mặt trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân ở vùng Hà Bắc. Toàn bộ vùng Hà Bắc hầu như bị Lưu Tú chiếm lĩnh.
Năm 25 Công nguyên, Lưu Tú và các thủ hạ thấy thời cơ đã chín muồi, liên tự xưng làm hoàng đế ở đất Hào (nay ở phía bắc huyện Bách Hương, Hà Bắc). Đó là Hán Quang Vũ Đế.
Canh Thủy Đế lúc đầu đóng đô ở Lạc Dương, sau lại chuyển về Trường An. Sau khi về Trường An, ông ta cho rằng giang sơn đã nằm trong tay, liền bắt đầu cuộc sống hủ bại. Ông làm phong quan tước, không hề chăm lo đến chính sự, suốt ngày uống rượu vui chơi trong hoàng cung, còn dung túng binh lính hoành hành cướp bóc. Số tướng lĩnh của quân Lục Lâm cũ rất bất mãn với Canh Thủy Đế.
Phàn Sùng, thủ lĩnh quân Xích Mi thấy Canh Thủy Đế như vậy, liền dẫn hai mươi vạn quân tiến công Trường An. Canh Thủy Đế đem quân chống lại, liên tiếp bị đánh bại, vô cùng sợ hãi. Một số tướng lĩnh quân Lục Lâm khuyên Canh Thủy Đế rời Trường An, lại bị Canh Thủy Dế ngờ vực, giết hại. Một số tướng lĩnh khởi nghĩa chạy theo quân Xích Mi. Nội bộ lực lượng Canh Thủy Đế rối loạn, quân Xích Mi liền dễ dàng đánh vào qua Hàm Cốc quan.
Quân Xích Mi quyết định phê bỏ Canh Thủy Đế. Nhưng Phàn Sùng và những người lãnh đạo vẫn chưa thoát khỏi quan niệm chính thống của quý tộc cũ triều Hán, cố tìm một người họ Lưu để tôn làm hoàng đế. Lúc đó, trong quân Xích Mi có tất cả hơn bảy mươi người họ Lưu. trong đó có một cậu chăn bò mươi lăm tuổi tên là Lưu Bồn Tử, nghe nói có huyết thống gần gũi nhất với hoàng tộc Tây Hán. Thế là họ lập Lưu Bồn Tử lên làm hoàng đế.
Quân Xích Mi đánh vào Trường An, Canh Thủy Đế chạy ra ngoài thành. Phàn Sùng phái sứ giả đến gặp Canh Thủy Đế, yêu cầu phải đầu hàng trong kỳ hạn hai mươi ngày. Canh Thủy Đế cùng đường, đành đem ngọc tỷ đến đầu hàng quân Xích Mi.
Quân Xích Mi tiến vào Trường An, thanh thế lừng lẫy. Nhưng mấy chục vạn quân không có nguồn cung cấp lương thực. Bọn phú thương và địa chủ nhân cơ hội đầu cơ tích trữ, thành Trường An hôm nào cũng có người chết đói. Cứ như vậy, tình hình hỗn loạn ở Trường An không có cách nào dẹp yên được.
Phàn Sùng dẫn quân rời Trường An đi sang huống Tây. Nhưng ở hướng này cũng không giải quyết được khó khăn về lương thực. Đến Thiên Thủy (tên quận, nay ở Cam Túc), lại bị bọn địa chủ cường hào địa phương chặn đánh, Phàn Sùng lại phải dẫn quân sang hướng Đông.
Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú nhân lúc quân Xích Mi vào Trường An liền chiếm lấy Lạc Dương. Nghe tin Quân Xích Mi chuyển sang phía đông, liền dẫn hai mươi vạn đại quân chia làm hai cánh mai phục chờ đợi.
Quang Vũ Đế phái đại tướng Phùng Dị đến Hoa Am nhử quân Xích Mi sang phía đông. Phùng Dị dùng kế bao vây một đội quân Xích Mi ở dưới núi Hào Sơn. Ông đưa chiến thư, hẹn quân Xích Mi quyết chiến với thời gian và địa điểm đã định. Phàn Sùng thật thà, không hiểu rõ mưu kế của đối phương, nên phái hơn một vạn quân Xích Mi tiến công Phùng Dị cử một số ít quân đối địch. Quân Xích Mi thấy Hán binh ít ỏi nên đem toàn quân tiến đánh. Không ngờ, phục binh đổ ra, ăn mặc và tô vẽ giống như quân Xích Mi, hai bên hỗn chiến, không phân biệt nổi ai là quân lính của bên nào.
Quân Xích Mi đang bối rối thì số Hán binh giả trang làm quân Xích Mi hô lớn: “Đầu hàng! Đầu hàng!” Binh sĩ Xích Mi thấy nhiều người bên mình kêu đầu hàng như vậy thì hoang mang nao núng. Toàn bộ cánh quân đó bị tước vũ khí.
Tháng giêng năm 27 Công nguyên, Phàn Sùng dẫn số quân Xích Mi còn lại di chuyển về Nghi Dương (nay là huyện Nghi Dương, Hà Nam), Phùng Dị sai người báo cáo hỏa tốc cho Quang Vũ Đế. Quang Vũ Đế thân dẫn hai cánh quân đã chuẩn bị sẵn đánh chặn, vây chặt quân Xích Mi lại. Đến bước này, Phàn Sùng đành phái người đến gặp Quang Vũ Đế xin hòa.
Hán Quang Vũ Đế dẫn Lưu Bồn Tử và hàng binh Xích Mi về Lạc Dương, phân cho nhà cửa đất đai và giữ họ ở Lạc Dương. Nhưng chỉ mấy tháng sau, liền ghép Phàn Sùng vào tội mưu phản và sát hại.