Hán Ai Đế tên thật là Lưu Hân, cháu nội của Hán Nguyên Đế Lưu Thích, cháu trai của Thành Đế Lưu Ngao, tuổi Mùi. Khi còn nhỏ yêu thích thơ ca, tính tình tiết kiệm. Sau khi trưởng thành tính tình thay đổi, nảy sinh vô số thói xấu. Sau khi Thành Đế chết thì kế vị, tại vị 6 năm, ốm chết, thọ 26 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 26 TCN -1 TCN.
Nơi an táng: Di Lăng (phía tây thành phố Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây ngày nay).
Công – tội: Khi mới kế vị, ông cũng muốn làm một hoàng đế tốt nhưng sau khi phấn đấu mà không có thành tích gì thì nản chí. Trong 6 năm tại vị, việc ông sủng ái con trai của ngự sử Đổng Cung là Đổng Hiên, chuyện này đã trở thành trò cười cho hậu thế.
Con trai của Hán Thành Đế đều bị hai chị em Triệu Phi Yến hãm hại nên Thành Đế không có con nối dõi. Do đó, phải tìm một người ở chi gần trong họ Lưu để kế vị. Lúc đó, có hai ứng cử viên là Trung Sơn Vương Lưu Hưng – em khác mẹ của Thành Đế và Lưu Hân – cháu của Định Đào Vương.
Khi Lưu Hân được 3 tuổi thì phụ thân qua đời. Ông được bà nội là Phó chiêu nghi của Nguyên Đế và một số người thầy nuôi dạy. Thành Đế không có con trai, nhận ông làm con nuôi. Ông được sống trong giàu sang nên được giáo dục rất tốt. Lúc 17, 18 tuổi đã đọc thuộc “Kinh thi” và “Thượng thư”.
Từ nhỏ, Lưu Hân đã sùng bái Nho học, mọi cử chỉ hành động đều mang phong thái của Nho sĩ.
Để lựa chọn một người làm thái tử, Thành Đế triệu hai người này đến kiểm tra trước mặt các đại thần. Lưu Hân đọc thuộc “Kinh thi” và Thượng thư”, được Thành Đế và các đại thần tán thưởng. Còn Lưu Hưng thi lúng túng hồi lâu cũng không đọc nổi một đoạn trong “Thượng thư”. Lúc ăn cơm, Lưu Hưng ăn uống nhồm nhoàm, khắp mặt nhễ nhại mồ hôi. Còn Lưu Hân thì ăn uống từ tốn, lễ độ.
So sánh hai người này thì đương nhiên Thành Đế chọn Lưu Hân, các đại thần cũng đều tán thành. Vậy là Lưu Hân được lập làm thái tử.
Khi Thành Đế nói với Lưu Hân sẽ quyết định lập ông làm thái tử, Lưu Hàn đã từ chối: “Thần có tài đức gì mà dám làm thái tử? Bệ hạ vẫn còn trẻ, sau này nhất định sẽ có con nối dõi”, khiến cho Thành Đế càng yêu quý ông.
Thực ra, những lời nói đó không phải là những lời giả dối mà là suy nghĩ thực lòng của Lưu Hân. Nhà Hán ngày càng suy yếu. Lưu Hân đã hạ quyết tâm rằng thà làm một phiên vương bé nhỏ còn hơn làm hoàng đế của triều đình mục nát này.
Chưa đầy 2 năm sau, Thành Đế đột ngột băng hà, Lưu Hân lên kế vị. Tuy không muốn làm hoàng đế nhưng dù sao cũng đã ngồi trên ngai vàng, Lưu Hân muốn trở thành một minh quân, ông biết rằng quyền lực của triều đình hiện đều do người nhà của Vương thái hậu nắm giữ nên dần dần tước bỏ quyền lực của chúng, ông không thẳng tay thanh trừ Vương thị để tránh làm to chuyện. Hơn nữa, chính thái hậu Vương Chính Quân là người dung túng cho vương thị chuyên quyền, nên không thể không nể mặt bà ta.
Sau khi nắm được quyền hành, Lưu Hân muốn làm những việc có ích cho đất nước. Khi đó, thế nước suy yếu, dân chúng cực khổ. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt chính là tiết chế sự bóc lột của bọn quý tộc để dung hòa mâu thuẫn giữa dân chúng và giai cấp thượng lưu. Nhưng Lưu Hân không dám làm mạnh tay mà chỉ thử tiến hành trên một vài phương diện nhỏ. Ví dụ như hạ chiếu hạn chế diện tích ruộng đất và số lượng nô tỳ của nhà giàu, giải tán các cơ quan như Nhạc phủ, Tể quốc tam phục (quản lý việc may mặc). Tuy nhiên, những cải cách nhỏ ấy vẫn bị quan lạị phản đối kịch liệt, không thể thực hiện triệt để.
Lưu Hân cảm thấy quyền lực của mình không đủ để uy phục thiên hạ nên nản chí mà chơi bời trác táng, đắm chìm trong tửu sắc để tự lừa dối bản thân.
Một hôm, Lưu Hân gặp Đổng Hiền, con trai của ngự sử Đổng Cung, thấy Đổng Hiền dung mạo thanh tú như thiếu nữ, xinh đẹp hơn cả mỹ nữ trong hậu cung liền say đắm, ban cho hắn làm cận thần, ngày đêm kề cận.
Nhiều đại thần dâng sớ can gián nhưng Lưu Hân đều bỏ ngoài tai, liên tiếp thăng chức cho Đổng Hiền, cho hắn làm Đô úy thị trung, thậm chí còn lệnh cho hắn ngủ cùng giường với mình. Một hôm, khi Lưu Hân thức giấc, Đổng Hiền vẫn ngủ say, nằm đè lên tay áo của Lưu Hân. Lưu Hân không muốn làm Đổng Hiền thức giấc nên liền lấy kéo cắt rời tay áo. Từ đó, câu chuyện này được lưu truyền và điển cố “cắt ống tay áo” trở thành từ ẩn dụ chỉ mối quan hệ đồng tính nam.
Lưu Hân vô cùng yêu quý, sủng ái Đổng Hiền. Không những liên tiếp thăng quan mà còn ban chức quan cho tất cả họ hàng của hắn. Lưu Hân còn cho xây một ngôi mộ bên cạnh Di Lăng, để cho sau khi chết, Đổng Hiền vẫn có thể hầu hạ Hoàng thượng.
Những việc làm biến thái này của Lưu Hân bị các thần tử chính trực phản đối, như thừa tướng Vương Hỷ từng dâng tấu can gián nhưng hoàng đế không những không nghe theo mà còn lệnh cho Vương Hỷ tự sát. Để thể hiện uy quyền của mình, hoàng đế bãi chức của Đại tư mã Đinh Minh, ban chức đó cho sủng thần Đổng Hiền.
Năm 1 TCN, Luu Hân ốm chết tại cung Vị Ương.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,